Mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, cú hích phục hồi tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính sách phát triển phù hợp cùng với việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp nhập cảnh, Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế rất khả quan. Đã có nhiều chỉ dấu cho thấy triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam ngay từ quý I này.

Kích hoạt du lịch, thương mại và đầu tư

Việt Nam đã chính thức khôi phục chính sách thị thực như trước dịch Covid-19, nhằm mở cửa đón du khách quốc tế quay trở lại sau ngày 15/3. Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho mở cửa du lịch, nhiều tỉnh, thành đã ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: Phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...)… Từ đó, đi trước đón đầu làn sóng khách du lịch quốc tế một cách chủ động.

Tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá cao. Ảnh minh hoạ 
Tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá cao. Ảnh minh hoạ 

Mới đây, đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành được cho là “mở toang cánh cửa” đón du khách quốc tế. Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam Bùi Minh Đăng đánh giá, với các động thái trên thì trong năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu.

Trên cơ sở có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa kết nối đường bay quốc tế tới Việt Nam, với khoảng 30 đường bay, 30 hãng bay, ông Đăng cho biết Cục Hàng không dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch trong năm nay.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong Đông Nam Á trong tiến trình mở cửa trở lại hậu Covid-19. Mặc dù số ca, tỷ lệ nhiễm vẫn còn cao nhưng yếu tố đó gần như không gây rủi ro đe dọa quá lớn bởi vì có cả một hệ thống các giải pháp, các chính sách đã được ban hành và triển khai. (Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN)

Không chỉ có hiệu ứng tích cực với du lịch, việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp nhập cảnh sau 2 năm “đóng then, cài chốt” còn được cho là sẽ góp phần đáng kể để phục hồi cho hoạt động dịch vụ, giao thương về thương mại và đầu tư.

“Động lực tăng trưởng kinh tế là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Du lịch phục hồi kéo theo được khách sạn, nhà hàng quay trở lại, giải quyết việc làm cho người lao động…”-  Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ.

Về đầu tư nước ngoài, hai năm qua, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, song Cục Đầu tư nước ngoài luôn nhắc đến những cản trở, khó khăn đến từ các biện pháp phòng dịch, cũng như các biện pháp hạn chế nhập cảnh mà Việt Nam buộc phải thực hiện khi dịch Covid-19 bùng phát. Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam ông Alain Cany đánh giá, với chính sách mới, chắc chắn dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam và hàng chục nghìn DN quốc tế đã có mặt tại Việt Nam có thể tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

Với đầu tư công, không ít kế hoạch đầu tư đã bị trì hoãn, không ít dự án cũng đã bị chậm trễ trong triển khai chỉ vì những khó khăn trong chính sách nhập cảnh cho chuyên gia và khách nước ngoài. Nhưng nay thì câu chuyện sẽ khác, nhiều dự án sẽ được thúc đẩy.

Tin vào sự phục hồi kinh tế Việt Nam

Nikkei Asia Review dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm nay. Ngoài ra, Nikkei Asia Review còn cho rằng dòng vốn FDI sẽ là một động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tổng Giám đốc CocaCola tại Việt Nam và Campuchia Leonardo Garcia tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt ngay trong quý I/2022. Hiện DN này đã có giấy phép mở rộng đầu tư ở Việt Nam để đón xu hướng này. Trong khi đó, kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam cũng được Wanek Furniture, nhà sản xuất nội thất Mỹ, triển khai ngay sau khi dịch dần được kiểm soát. Phó Chủ tịch Wanek Furniture châu Á Andrew Lien cho biết: "Chúng tôi vẫn tin tưởng về tương lai ở Việt Nam và tiếp tục đầu tư cho những dự án sắp tới với mức tăng trưởng cao hơn".

Bức tranh kinh tế tháng 2 năm nay đã có nhiều điểm sáng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ. Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tăng. Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 42.600 DN, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển DN trong năm 2022.

Trong báo cáo mới nhất “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” tháng 3/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi. Còn trang Asian Investor của Anh dẫn ý kiến của các chuyên gia cho biết, Việt Nam sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

"Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu GDP của Việt Nam tăng hơn 7% trong năm nay với các yếu tố như sự phục hồi tiêu dùng, khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài và gói kích cầu mới được triển khai" - Giám đốc Điều hành VCG Partners Jason cho hay.

 

Đóng góp vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 như: Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, hoạt động mua lại và sáp nhập, các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho các DN, việc nới lỏng thủ tục nhập cảnh, sự ổn định về chính trị, du lịch... Cơ cấu dân số vàng của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng hiểu biết về công nghệ và dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn trên đà tăng trưởng tích cực. (Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Tim Evans)

Dù vậy, nỗ lực phục hồi kinh tế cũng đang gặp phải khó khăn, đó là sự biến động lớn của giá cả hàng hóa trên thế giới trước tác động khủng hoảng tại Ukraine. Lạm phát chịu sức ép từ thiếu nguồn cung, giá xăng tăng cao; hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa phải tăng phạm vi lãi suất cơ bản cùng một loạt đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Với Việt Nam, Chính phủ đã trình Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó dự kiến giảm 50%, tức giảm khoảng 2.000 đồng/lít xăng. Chính sách này và nhiều chính sách khác, như giảm thuế VAT, giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá… đã được đánh giá cao, vì vừa thể hiện sự chủ động, linh hoạt; đồng thời còn thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

“Chấp nhận việc ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu gần 30.000 tỷ đồng khi áp dụng giảm phí bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu. Chúng tôi cũng đánh giá cao gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thúc đẩy sản xuất, đầu tư được triển khai sớm ngay trong quý đầu năm nay. Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực" - Ngân hàng Standard Chartered đánh giá.