Làm thế nào để văn học Việt Nam hội nhập tốt hơn với thế giới vẫn là nỗi niềm canh cánh của nhiều thế hệ cầm bút bấy lâu nay. Nỗi niềm ấy luôn được xới lên với không ít trăn trở mỗi khi văn chương Việt rôm rả đón chào một sự kiện nào đó.
“Nhập siêu” văn học
Trên bản đồ văn học thế giới, cái tên văn học Việt Nam mới chỉ là một chấm nhỏ. Thực tế này ít nhiều được lý giải từ nghịch lý của việc xuất nhập khẩu văn chương. Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã dịch, xuất bản khá cơ bản và hệ thống các tác phẩm tiêu biểu của văn học Trung Quốc, Pháp, Nga, các nước Tây Âu. Thị trường Việt Nam cũng ngày càng phong phú các tác phẩm văn học nước ngoài, trong đó, nhiều tác phẩm dịch còn “nóng hổi” khi nguyên bản vừa được ấn hành hay trao giải thưởng. Số lượng lớn các tác phẩm văn học nước ngoài đến với độc giả Việt Nam này lại tỷ lệ nghịch với số tác phẩm văn học Việt ra thế giới, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu văn chương Việt. Theo ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư: “Chúng tôi nhận nhiều hơn là gửi. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thì chúng tôi đã “nhập siêu” văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Còn xuất thì rất hạn chế, rất thiếu chủ động và thiếu chọn lọc”. Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á hãng thông tấn “Nước Nga ngày nay” - ông Igor Britov cũng chia sẻ: “Phải công nhận, nếu như những năm diễn ra cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam, ở Liên Xô, người ta nhắc đến đất nước này hàng ngày, hàng giờ trên đài, báo, truyền hình, ai ai cũng nghe nói đến Việt Nam, thì giờ đây, người Nga không được biết về Việt Nam nhiều như trước”.
Mặc dù mới đây, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Dịch thuật và Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, song số tác phẩm văn học Việt được giới thiệu ra thế giới còn quá khiêm tốn, và câu chuyện hội nhập văn học một chiều vẫn là trăn trở của nhiều cây bút. Ngay trong Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Hữu Thỉnh cũng thừa nhận: “Giờ đây, chúng tôi muốn điều chỉnh và cải thiện lại tình hình. Chúng tôi không muốn chỉ là thị trường tiêu thụ văn hóa thế giới mà phải là đối tác giao lưu văn hóa với thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện”.
“Có bột” liệu có “gột nên hồ”?
Văn học Việt không thiếu những nhà văn giỏi, những tác phẩm hay để có thể tự hào “đem chuông đi đấm xứ người”. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong việc hội nhập văn chương chính là ngôn ngữ. “Nếu tiếng Việt với chúng tôi là niềm tự hào về khả năng phô diễn kỳ diệu thế giới nội tâm cực kỳ điêu luyện và tinh tế bao nhiêu thì với các dịch giả nước ngoài lại càng khó khăn bấy nhiêu” - nhà thơ Hữu Thỉnh thừa nhận công việc chuyển ngữ chẳng khác nào “vén mây để với tới trời xanh”.
Còn dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) thì cho rằng, để có nhiều tác phẩm văn học Việt được giới thiệu ra nước ngoài cần thiết phải giải quyết 3 vấn đề: Có tác phẩm hay; có dịch giả giỏi và có… tiền. Nhìn nhận từ phương diện dịch thuật, dịch giả Lê Bá Thự khẳng định: “Chúng ta phải biết nỗ lực và sử dụng có hiệu quả 3 lực lượng dịch giả là các dịch giả Việt Nam trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt; phải có biện pháp cụ thể nhằm tăng số lượng và chất lượng của đội ngũ này; chế độ nhuận bút và các chế độ khác phải tương xứng với công sức mà họ bỏ ra”.
Từ kinh nghiệm trong việc quảng bá văn học Nhật Bản ở Nga, dịch giả Igor Britov nhận định: “Việc quảng bá văn học Việt tại Nga chỉ có thể thực sự được tiến hành nếu chính những người Việt ở các cấp vào cuộc - đại sứ quán, các nhà văn và nghiên cứu văn học, các tổ chức xã hội, DN”.
Có thể nói, để đưa được nhiều tác phẩm văn học Việt “vượt khỏi lũy tre làng” là việc làm không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Các cuộc ngoại giao văn chương rất cần thiết, nhưng chỉ là bước khởi đầu, còn cánh cửa hội nhập chỉ thực sự rộng mở với những kế hoạch được thực hiện cụ thể, dài hơi.
Thực tế đã chứng minh, kinh tế chắp cánh cho văn học bay xa. Việc giới thiệu văn học không phải là trách nhiệm của riêng nhà văn và dịch giả. Nên áp dụng biện pháp cụ thể để khuyến khích sáng tác văn học cũng như giới thiệu văn học. Thiết nghĩ, nếu Nhà nước Việt Nam thành lập một quỹ văn học dịch để trợ cấp và khen thưởng công việc giới thiệu văn học Việt Nam sẽ là một cách làm rất hiệu quả. Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) |
Kinhtedothi - Chọn mua sách trên đường Giảng Võ, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng |
Không chỉ là sự khác biệt mà có sự cô đơn, tiếng Việt so với các thứ tiếng khác trên thế giới ít được chú ý. Viết văn bằng tiếng Việt luôn là thử thách bởi họ ít khi được giới thiệu ra nước ngoài. Nếu được ra ngoài biên giới thì cái hay của nó, sự sâu sắc của ý tưởng, tính nhạc của ngôn ngữ cũng bị mất mát rất nhiều so với các ngôn ngữ khác. Việt Nam có những nhà văn, đặc biệt là những nhà thơ thực sự lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và gần hơn như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử... nhưng tác phẩm của họ ít được chia sẻ do dịch thuật không hoàn hảo, do xuất bản để quảng bá tác phẩm khó khăn, do bản thân người Việt Nam cũng ít có khả năng, cả về tài chính để đưa văn học của mình đến gần với các ngôn ngữ khác.
Nhà thơ Lê Minh Khuê
|