Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở cửa muộn, du lịch tâm linh vẫn hút khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau khi Hà Nội và một số tỉnh, thành cho phép các di tích lịch sử, văn hóa mở cửa đón khách tham quan, các doanh nghiệp du lịch đồng loạt tổ chức tour du Xuân. Các điểm du lịch tâm lý đặc biệt hút khách dịp này.

Doanh nghiệp đồng loạt khởi động tour

"Đến hẹn lại lên", sau Tết Nguyên đán là thời điểm, người dân thường chọn các điểm du lịch tâm linh để du Xuân. 

Sau khi Hà Nội và một số tỉnh, thành cho phép di tích lịch sử, đền, chùa mở cửa trở lại, các tour du lịch cũng được doanh nghiệp cấp tập khởi động lại.

Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho biết, ngay sau khi tỉnh Quảng Ninh cho phép đưa du khách đến tham quan, lễ Phật tại quần thể chùa Yên Tử, doanh nghiệp đã tổ chức tour đi - về trong ngày với giá khoảng 750.000 đồng/khách. Tương tự, Công ty Du lịch Hà Nội cũng đang chào bán tour  Hà Nội - Yên Tử - Hạ Long - Bắc Ninh - Đền Đô - Ninh Bình - Chùa Bái Đính - Tràng An - SaPa - Chinh phục đỉnh Fansipan trong 6 ngày 5 đêm. Tham gia tour, du khách có cơ hội tham quan các di tích văn hóa lịch sử Hà Nội như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, Đền Ngọc Sơn. Đồng thời khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đỉnh núi  cao nhất Việt Nam Fansipan (Lào Cai)… Không chịu thua kém, Công ty Du lịch Việt Nam đưa ra chùm tour du Xuân Tam Chúc (Hà Nam), Yên Tử, Hạ Long (Quảng Ninh), Bái Đính-Tràng An (Ninh Bình)…với giá khá rẻ.

Về giá tour, các du khách đều cho mức giá chấp nhận được. Cụ thể, tour Yên Tử-chùa Ba Vàng (Quảng Ninh); tour chùa Bái Đính-Tràng An (Ninh Bình) đi về trong ngày 790.000 đồng/khách; Tour chùa Tam Chúc-Bà Đanh (Hà Nam), tour đi lễ đền ông Hoàng Bẩy-đền Mẫu (Lào Cai) 690.000 đồng/khách.  

Thực tế cho thấy, ngay sau khi TP Hà Nội cho phép khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức) được đón du khách, nhiều công ty du lịch đã mở bán tour lễ Phật chùa Hương trong 1 hoặc 2 ngày với giá từ 400.000-850.000 đồng/khách (bao gồm vé thắng cảnh, thuê đò, bảo hiểm, ăn nghỉ...).

Du khách đi lễ Phủ Tây Hồ sau khi TP Hà Nội cho phép hoạt động.
Du khách đi lễ Phủ Tây Hồ sau khi TP Hà Nội cho phép hoạt động.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, du lịch hành hương lễ chùa, trẩy hội đầu năm đã trở thành thói quen trong văn hóa người Việt. Để thu hút du khách, các doanh nghiệp đã làm mới tour theo hướng kết hợp điểm du lịch tâm linh với các danh lam thắng cảnh.

Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, để thu hút du khách, hầu hết công ty du lịch đã làm mới tour tới các điểm tâm linh theo hướng gắn di tích thắng cảnh với lịch sử tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa, kiến trúc…qua đó đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết,  từ ngày 1 - 15/2, tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 837.000 lượt khách, trong đó đa số là khách đi du lịch tâm linh lễ Phật đầu năm. Cụ thể, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (180.000 lượt), đền Cửa Ông (90.000 lượt), chùa Cái Bầu (55.000 lượt) …Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thực hiện nghiêm quy định 5K

Cơ sở tôn giáo, điểm du lịch dần mở cửa đón khách cho thấy dấu hiệu ngành du lịch đã và đang phục hồi, tuy nhiên trong quá trình xây dựng, tổ chức tour đặt ra yêu cầu đối các doanh nghiệp du lịch, điểm đến phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Khách du lịch tại chùa Hương sau khi TP Hà Nội cho phép đón khách
Khách du lịch tại chùa Hương sau khi TP Hà Nội cho phép đón khách

Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ để đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình tham gian tour, tất cả địa điểm tham quan trong tour đều nằm trong vùng "xanh" và đảm bảo các quy định an toàn về phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, các nhân viên phục vụ tour đều đã tiêm vaccine 2 mũi, xét nghiệm định kỳ, tập huấn quy trình an toàn. Các thành viên trong tour, kể cả khách du lịch, cũng luôn đảm bảo 5K suốt hành trình.

Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài nêu rõ, trong quá trình tổ chức tour du Xuân, doanh nghiệp đã yêu cầu du khách giữ khoảng cách với bộ phận phục vụ, có tấm chắn an toàn giữa lái xe với du khách. Hướng dẫn viên du lịch phải thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang khi đến các điểm tham quan.

 

Hoạt động du lịch tuy còn khó khăn nhưng bước đầu đã có dấu hiệu khả quan khi nhiều tỉnh, thành có lượng khách du lịch tăng trong thời điểm đầu năm 2022, kết quả này cho thấy ngành du lịch đang từng bước khôi phục và kỳ vọng có thể gia tăng được lượng khách trong mùa du lịch hè sắp tới.

Để du lịch phục hồi bền vững, ngành du lịch sẽ đề xuất thêm những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như giải quyết bài toán về nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt." - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

 

Chùa Hương một trong những điểm du lịch thu hút du khách những ngày đầu năm nên việc đảm bảo đón du khách an toàn trước dịch Covid-19 là vấn đề được nhiều người quan tâm. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, huyện Mỹ Đức đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân địa phương, du khách thực hiện nghiêm quy định “5K” của Bộ Y tế, không nên đi chùa Hương khi chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Tại 3 cổng trạm vào khu di tích, huyện Mỹ Đức đã bố trí lực lượng chức năng hướng dẫn, yêu cầu du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế bằng mã QR; Bố trí 8 chốt kiểm soát dịch Covid-19, 3 lều y tế lưu động để xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp sốt, ho... Tại nơi thờ tự, huyện cũng bố trí lực lượng hướng dẫn du khách sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách không để tập trung đông người, gây ùn ứ, ách tắc trong thời gian dài.

Việc doanh nghiệp du lịch kết nối với các địa phương tổ chức tour du Xuân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 đã thu hút một lượng lớn du khách. Đây là một tín hiệu khởi đầu tốt đẹp cho ngành du lịch hồi phục, phát triển.