Mở cửa xe ô tô gây tai nạn sẽ xử phạt như thế nào?

Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vụ việc liên quan mở cửa ô tô bất cẩn đã gây tai nạn cho người đi đường để lại hậu quả thương tật hoặc tử vong. Trong những trường hợp này, người mở cửa phải chịu trách nhiệm thế nào?

Tài xế mở cửa xe dẫn đến vụ va chạm với xe máy (Ảnh chụp màn hình).
Tài xế mở cửa xe dẫn đến vụ va chạm với xe máy (Ảnh chụp màn hình).

Mới đây, tại Lào Cai, trong lúc ô tô dừng đỗ bên đường, 1 người ngồi trong mở cửa ô tô phía sau đúng lúc 1 xe máy đang đi tới, khiến cả 2 người ngồi trên xe máy ngã xuống đường. 1 trong 2 người ngồi trên xe máy đã bị xe khách phía sau đi tới chèn qua người khiến nạn nhân tử vong.

Trước đó, tháng 9/2023, một tài xế ô tô ở Nghệ An đang dừng bên đường cũng bất ngờ mở cửa xe khiến một người phụ nữ đi xe máy phía sau va vào cánh cửa xe, ngã xuống đường và bị xe chở rác tông tử vong.

Hiện trường vụ việc tại Nghệ An. 
Hiện trường vụ việc tại Nghệ An. 

Nhiều vụ việc tương tự liên quan đến hành vi bất cẩn khi mở cửa ô tô đã được mạng xã hội trích xuất clip để cảnh báo, tuy nhiên, thỉnh thoảng các vụ việc để lại hậu quả thương tâm như trên vẫn xuất hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hưng (Thịnh Quang, Đống Đa) tài xế 30 năm kinh nghiệm chia sẻ, để đảm bảo an toàn khi mở cửa ô tô, các tài xế cần chú ý quan sát trước và sau khi mở cửa.

“Tay gần cửa thì giữ nắm cửa, tay ở xa kéo mở khóa, sau đó, mở hé cánh cửa để quan sát kỹ phía sau, khi thấy an toàn mới mở dần cửa để xuống xe. Nên mở dần cửa cùng lúc đi ra khỏi xe, chứ không nên mở toang đột ngột. Sau khi ra khỏi xe, cần nhanh chóng đi tới vị trí an toàn. Nếu có trẻ con ngồi sau thì tài xế cần chốt khóa cửa sau để đảm bảo an toàn” – Ông Hưng nói.

Anh Nguyễn Huy Hoàng (Thái Hà, Đống Đa) tài xế mới lấy bằng cho biết.

“Do mới lái nên những lúc cần xuống xe ở ngoài đường, dù có vội đến máy tôi sẽ cố tìm chỗ dừng đỗ thật an toàn rồi mới xuống xe, an toàn cho mình, và cả những người đang tham gia giao thông” – anh Hoàng chia sẻ.

Việc mở cửa gây tai nạn cho người khác còn có thể bị xử lý hành chính đến hình sự, tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Căn cứ vào Điểm đ Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2018 quy định: "Không mở cửa xe, để cửa xe mở, hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn".

Về mức phạt, Điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe mở cửa không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 400.000- 600.000 đồng.

Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Nếu hành vi gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do vụ tai nạn gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.