Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở đầu ra cho gạo Khu Cháy

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng thành công chuỗi lúa gạo chất lượng Khu Cháy không chỉ giúp hàng nghìn nông hộ tăng thu nhập mà còn nâng cao giá trị sản phẩm gạo hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững.

Năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng Khu Cháy” được UBND huyện Ứng Hòa giao cho Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) quản lý và phát triển. Hiện, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất và dây chuyền sấy, xay xát, đóng gói lúa gạo.
 Các đại biểu tham quan dây chuyền máy sấy, xay xát, đóng gói thành phẩm gạo chất lượng Khu Cháy tại HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa).
Đồng thời thuê lại diện tích của một số cơ sở để đầu tư phát triển sản xuất, thu mua lúa tươi cho một số HTX trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ sản phẩm rất nhiều khó khăn do thiếu kiến thức thị trường, hạn chế về việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chủ yếu là do HTX đứng ra thu mua cho nông dân tại thời điểm trước thu hoạch bằng hình thức thuận mua vừa bán, không có sự liên kết chặt chẽ dẫn đến không chủ động được sản lượng tiêu thụ.

Năm 2020, HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã được Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy. Cụ thể, hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ cho nông dân, HTX tham gia chuỗi; hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất; hỗ trợ bao bì đóng gói sản phẩm. Cùng với đó xây dựng quy chế sử dụng tem nhãn và bộ nhận diện sản phẩm; xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá sản phẩm.

Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy chia sẻ, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Ứng Hòa, từ chỗ tiêu thụ tự phát, đến nay, sản phẩm gạo Khu Cháy, chủ lực là các loại gạo trong nhóm Japonica đã khẳng định được thương hiệu. Hiện, HTX đã liên kết với các HTX trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất, thu mua, liên kết hiệu quả trên quy mô gần 300ha lúa Japonica. Bên cạnh đó, đơn vị còn liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới các đại lý lúa gạo ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Trung bình mỗi vụ, HTX tiêu thụ 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn với giá thành ổn định, hiệu quả được nâng lên từ 7 - 10%.