Ngành hàng không đang chìm trong khó khăn
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách 9 tháng năm 2023 thông qua các cảng hàng không đạt 89 triệu lượt, tăng 20%; trong đó khách quốc tế đạt 23,7 triệu lượt, tăng 266,8%; khách nội địa 65,2 triệu lượt khách, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, vận tải hàng hóa giảm 15,3% khi đạt 887.500 tấn.
Với sự phục hồi của ngành, đa phần các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đều đã có lãi trở lại, tuy chưa bằng thời điểm trước dịch dịch Covid-19 năm 2019 nhưng có sự tăng trưởng theo thời gian. Trong khi đó, các đơn vị trong nhóm vận tải hành khách hàng không gồm Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đến nay vẫn tiếp tục chìm trong khó khăn, thua lỗ.
Các hãng hàng không hiện nay đang rơi vào tình trạng giá vé máy bay bán
ra không đủ bù chi phí. Khác với các lĩnh vực khác, ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay; giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi... tại các cảng hàng không sân bay chiếm khoảng 65 - 80%. Phần định phí chiếm 20 - 35% và tùy theo mỗi hãng, vì vậy để tối ưu chi phí thì khả năng cắt giảm hoặc hiệu quả từ chi phí cũng không thay đổi được quá nhiều.
Điều nghịch lý là các hãng vận tải hàng không là lõi trung tâm của ngành hàng không nhưng dễ bị tổn thương và thiếu ổn định. Trong khi các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái như cảng hàng không, cửa hàng, dịch vụ suất ăn, dịch vụ phục vụ mặt đất... là phục vụ cho các hãng thì hiệu quả hoạt động khá tốt do có các chính sách cơ chế đặc thù.
Chia sẻ khó khăn thực tế doanh nghiệp, đại diện Vietravel Corp cho biết, có đến 85% du khách di chuyển bằng đường hàng không, nhưng hiện tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam đều ghi nhận lỗ, phải cắt giảm đường bay, tàu bay để duy trì. Tình trạng bay gia công và phải sử dụng các công nghệ phần mềm và phần cứng từ nước ngoài do chưa có công nghệ lõi, dẫn đến việc chi phí tăng cao.
Còn theo Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings Nguyễn Thị Phương Thảo, Vietjet đã tiên phong trong việc mở các đường bay quốc tế mới đi và đến Việt Nam, đóng góp lớn cho việc thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, thị trường khách từ Trung Quốc và Nhật Bản đang gặp một số khó khăn nên chưa đạt được như kỳ vọng do người dân hạn chế du lịch nước ngoài bởi khó khăn kinh tế sau dịch bệnh, đồng Yên mất giá mạnh. Cùng với đó, ngành hàng không và du lịch có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam bị giảm bởi yếu tố khách quan.
Phát triển hàng không xanh và bền vững
Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, rất mong Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.
Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất Chính phủ, các Bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.
Đại diện Sovico Holdings khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia. Đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.
Đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đề xuất, cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn là sự quan tâm của khách hàng với vấn đề du lịch xanh và bền vững. Nếu chúng ta không triển khai tốt việc này thì du lịch Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Đến năm 2023 ngành hàng không phải sử dụng 10% loại nguyên liệu này. Để thực hiện được việc này, các hãng hàng không không thể tự làm được mà còn cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành để tổ chức và sản xuất được nhiên liệu sạch này để hàng không sử dụng.