Dự kiến, có 41 dự án được Cục Hàng hải VN triển khai trong giai đoạn 2015-2020, với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải, 19 dự án cảng biển, ba dự án hệ thống hàng hải điện tử và 9 công trình neo đậu, tránh trú bão.
Theo hình thức xã hội hóa, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư phát triển cảng biển, luồng lạch thì nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn, những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hiện đã có khá nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án này với số vốn dự kiến lên tới gần 7 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2015-2016, đã có 3 Dự án đang được các nhà đầu tư tư nhân đăng ký tham gia và chuẩn bị được triển khai gồm: Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (Giai đoạn 2) theo hình thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến luồng Thọ Quang cho tàu đến 10 nghìn DWT, tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng; Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50 nghìn DWT theo hình thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Việc xã hội hóa đầu tư các dự án hạ tầng hàng hải đang có tỷ trọng đầu tư từ tư nhân lên đến 75-80%, vốn Nhà nước đầu tư chỉ trên 20%.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hàng hải, các cảng biển sau khi cổ phần hóa, phương pháp quản trị doanh nghiệp được đổi mới, do đó lợi nhuận tăng lên gấp ba, bốn lần so với khi Nhà nước còn sở hữu. Điều này, khẳng định ngành hàng hải Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc tái cơ cấu.
Cảng Lạch Huyện tại Hải Phòng là dự án cuối cùng Nhà nước đầu tư vốn vào hàng hải. Kể từ nay trở đi, các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải sẽ do tư nhân đầu tư, còn Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn được nhà đầu tư tư nhân, những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ngành Giao thông vận tải cũng sẽ công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư và minh bạch trình tự thủ tục đầu tư.
Ảnh minh họa
|