Gần 7 năm hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Sơn Hà (huyện Sơn Hà) đã bán ra thị trường 12 loại sản phẩm. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm: gà kiến Sơn Hà, gà đen, mắm cá niên, khổ qua rừng sấy, ớt xiêm rừng ngâm giấm.
Để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, HTX đã đăng ký tham gia phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tại huyện Sơn Hà, diễn ra từ ngày 8-9/12.
HTX đã chuẩn bị đầy đủ các loại sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Các sản phẩm này đều là các sản vật đặc trưng của vùng núi cao Sơn Hà, được sơ chế, chế biến, đóng gói bắt mắt và được thị trường ưa chuộng.
Tham gia phiên chợ còn có các hội viên, nông dân người đồng bào DTTS ở xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà) với 6 sản phẩm thế mạnh, gồm: cá mè xông khói, tinh bột nghệ, sim rừng sấy khô, chè dây khô, cá lăng nha, cá thác lác.
Phiên chợ tổ chức ngay tại sân nhà, nên rất đông hội viên nông dân, HTX trên địa bàn huyện Sơn Hà đăng ký tham gia với hơn 100 sản phẩm đặc trưng địa phương được bày bán, quảng bá.
Cùng với đó là các gian hàng ẩm thực mang đậm nét văn hóa của người Hrê, gồm: ốc đá xào, lá mì xào đu đủ, heo ky, thịt heo gác bếp, cá chuồn muối ớt sả, rượu cần.
Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Ngãi không thiếu những sản phẩm chất lượng. Song, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, để sản phẩm của miền núi tìm được chỗ đứng, ngoài việc các chủ thể phải nâng cao chất lượng sản phẩm, thì công tác quảng bá, truyền thông cho sản phẩm cũng đặc biệt quan trọng.
Trong đó, các phiên chợ kết nối, quảng bá sản phẩm gắn với truyền thông về phiên chợ và sản phẩm tại phiên chợ trên phương tiện thông tin được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đoàn Kết Phạm Thị Như Ý (xã Long Mai, huyện Minh Long) bày tỏ: “Chúng tôi rất mong tỉnh sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các phiên chợ quảng bá sản phẩm vùng cao, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hà Trần Đình Vũ, các đơn vị, cá nhân tham gia phiên chợ tự tin bán hàng, quảng bá, giới thiệu và chia sẻ thông tin về mã vạch sản phẩm, quy trình sản xuất, cách sử dụng, bảo quản....
Điều đó cho thấy người đồng bào DTTS ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sản phẩm của mình, mạnh dạn đầu tư để phát triển lớn mạnh, bền vững.
"Hy vọng sẽ có nhiều phiên chợ kết nối như thế này, để không chỉ riêng nông dân huyện Sơn Hà mà các đơn vị bạn trên địa bàn tỉnh đều được tham gia xúc tiến thương mại, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, đưa các mặt hàng nông sản của người dân miền núi vươn xa hơn"- ông Vũ nói.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Thị Thanh Nguyệt cho biết, việc tổ chức phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa vùng đồng bào DTTS&MN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Bởi đây là vùng có vị trí địa lý xa xôi, cách trở, điều kiện đi lại khó khăn; nhiều cá nhân, gia đình, HTX dù có sản phẩm chất lượng nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến.
“Hội Nông dân tỉnh từng tổ chức phiên chợ tương tự tại TP Quảng Ngãi vào cuối tháng 9/2024 và được người tiêu dùng ghi nhận, đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm. Sau khi kết thúc phiên chợ, nhiều chủ thể của các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN đã tìm được cơ hội mới trong tiêu thụ sản phẩm”- bà Nguyệt nói.
Trước đó, bên lề Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IV (vào ngày 29 và 30/11) cũng tổ chức không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, tạo cơ hội để các chủ thể sản xuất có thêm cơ hội để giao lưu, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.