Kinhtedothi - Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm mạnh trong thời gian gần đây nên theo lý thuyết, giá xăng dầu bán lẻ trong nước còn có thể giảm tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia và người tiêu dùng (NTD) vẫn băn khoăn với câu hỏi giá xăng dầu sẽ giảm mạnh hay giảm nhỏ giọt hoặc có giảm hay không khi mà Bộ Công Thương đang dự kiến nâng chi phí kinh doanh xăng dầu thêm định mức 10 - 22% từ ngày 1/11 tới.
Chi phí kinh doanh chưa rõ ràng
Theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế quản lý Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu do Bộ Công Thương ban hành, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ, đã gồm cả cho tổng đại lý, đại lý) của tất cả các mặt hàng xăng dầu đều tăng. Cụ thể, chi phí định mức bình quân (giữa các vùng trong cả nước) của xăng tối đa sẽ là 1.050 đồng/lít (tăng 22% so quy định hiện hành là 860 đồng/lít), với dầu hỏa, dầu diesel tối đa là 950 đồng/lít (tăng 10%, hiện hành là 860 đồng/lít), với dầu mazut tối đa là 600 đồng/kg (tăng 20%, hiện là 500 đồng/kg).
Các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu cần được minh bạch hóa để đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Phạm Hùng
|
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng chi phí định mức kinh doanh là hợp lý nếu như doanh nghiệp (DN) chưa được tính đủ, tính đúng các chi phí thực tế trong hoạt động. Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan để làm rõ xem các chi phí đưa ra đó có đúng không?
DN đã thực hiện tiết giảm chi phí kinh doanh đến đâu? Đặc biệt, vì sao khi DN kinh doanh xăng dầu kêu định mức chi phí thấp, không bù đắp đủ cho hoạt động kinh doanh nhưng lại hào phóng chi mức hoa hồng cho các đại lý cao? Nói cách khác, chi phí này chưa minh bạch.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phân tích, việc tăng chi phí định mức cần phải xem xét một cách công bằng, khách quan, bởi tham gia thị trường xăng dầu của Việt Nam không chỉ có xăng dầu nhập khẩu mà còn có cả xăng dầu sản xuất trong nước. Chính vì thế, các khoản chi phí này phải có cơ sở và định mức tính toán rõ ràng, minh bạch, không để từ một phía là các đầu mối nhập khẩu xăng dầu yêu cầu. Thực tế, cả nước hiện chỉ có khoảng hơn 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Doanh nghiệp phải nghĩ đến trách nhiệm xã hội
Chi phí "cứng" của DN được điều chỉnh tăng thì phần nhiều là giá xăng dầu sẽ bị đội lên, đây là băn khoăn của nhiều NTD. Về việc này, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, trước đây, DN chi phí nhiều hơn định mức cho phép, thì khoản tăng cao hơn không được tính vào chi phí mà phải trừ vào lợi nhuận. Vì vậy, tăng chi phí kinh doanh định mức không có nghĩa là tăng giá xăng dầu. "Chỉ khác là chi phí định mức cao hơn giúp kết quả hoạt động của DN tốt hơn" - ông Năm phân tích.
Một số DN trong ngành chế biến thực phẩm cho biết, khi cước phí vận tải tăng 20 - 30% (do chính sách kiểm tra tải trọng của Bộ GTVT) thì DN sản xuất hàng hóa cũng chỉ yêu cầu được DN vận tải tăng giá cước ở mức 10%. Vì vậy, nếu tổng mức giảm 7 lần, giá xăng mới giảm hơn 9%, giá dầu 5% thì rất khó để DN sản xuất đề nghị DN vận tải giảm mạnh cước. Trong khi nhiều DN vận tải đưa ra lý do, trước kia, giá xăng điều chỉnh ở mức 1.500 đồng/lít mới tính được chuyện tăng giá cước. Nếu giá xăng thời gian tới giảm tương ứng, các DN mới tính giảm được giá cước. |
Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu 31 đường Láng. Ảnh: Hải Linh.
|
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lập luận, cho dù là không tính vào giá thành như DN nói nhưng nếu chi phí định mức kinh doanh tăng, làm lợi nhuận DN giảm cũng có nghĩa là cơ hội giảm giá ít đi, và khi DN kêu lỗ cũng có nghĩa là sẽ tính toán mở đường cho giá xăng dầu tiếp tục tăng. Giá xăng hiện đã giảm xuống còn 22.890 đồng/lít (thời điểm ngày 13/10). Trong khi đó, mức đóng góp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các đơn vị đầu mối đã giảm từ 300đồng/lít xuống còn 100đồng/lít. Trước khi giảm giá xăng, lãi bình quân của các đơn vị đầu mối cao hơn định mức 146 - 293 đồng/lít trong thời gian gần đây. Ông Long cho rằng, với mức giá này vẫn bảo đảm cho DN kinh doanh xăng dầu mức lãi không phải là nhỏ. Nhìn rộng ra, giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn cao hơn rất nhiều nước trên thế giới. Theo chuyên gia này, thay vì tăng chi phí định mức kinh doanh lên thì liên Bộ Công Thương - Tài chính nên giám sát chặt chẽ việc chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, không để NTD vốn đã chịu thiệt lâu nay giờ phải gánh thêm cả chi phí hoa hồng cho đại lý. DN cần phải chú trọng đến tiết giảm chi phí nhiều nhất có thể, không thể ỷ lại vào thế độc quyền để đòi được tăng định mức mà không nghĩ đến trách nhiệm xã hội của mình.
Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), chi phí định mức kinh doanh xăng dầu hiện bao gồm các khoản: Thù lao đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của DN. Đại diện VINPA cho rằng, chi phí định mức kinh doanh của Bộ Tài chính đã lỗi thời, theo đề xuất của DN, điều chỉnh bổ sung chi phí định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là các chi phí hao hụt, chi phí quản lý tài chính... chưa được tính vào cơ cấu giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu. |