Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở đường quảng bá du lịch Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối đồng bộ các thành tố, "nhấn mạnh" các thị trường có đường bay đến Hà Nội, quảng bá văn hóa phi vật thể... là những đề xuất cho việc xúc tiến quảng bá du lịch Hà Nội trong thời gian tới.

Liên kết các thành tố

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, năm 2013, du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt cả về lượng khách du lịch quốc tế lẫn nội địa. Tổng thu gần 40 tỷ đồng (tăng trên 20% so với năm trước) đã thể hiện sự tăng trưởng phục hồi của du lịch Thủ đô. Dẫu vậy, công suất sử dụng phòng trung bình toàn khối khách sạn mới đạt 57,7%. Một chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta có chương trình kích cầu tốt, hoàn toàn có thể nâng công suất sử dụng phòng lên 10 - 20%.
Khách du lịch nước ngoài thăm phố cổ Hà Nội.  Ảnh:  Thanh Thảo
Khách du lịch nước ngoài thăm phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Thảo
Đây cũng là hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp du lịch, nhưng trên hết phải thay đổi cách xúc tiến quảng bá sao cho hiệu quả. Hà Nội có đặc trưng và tiềm năng riêng, việc tuyên truyền không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi TP, bởi đa số khách quốc tế đến Hà Nội đều muốn thăm Ninh Bình, Hạ Long... Vì vậy, cần có sự kết nối đồng bộ giữa các thành tố tạo nên sản phẩm du lịch ấn tượng, đậm nét hơn đối với du khách. Lãnh đạo Công ty Lữ hành Hanoitourist phân tích thêm, các hãng lữ hành lớn, các khách sạn cung ứng dịch vụ, các điểm đến của Hà Nội có thể kết hợp với các vùng phụ cận để xúc tiến du lịch. Đặc biệt, nên quảng bá riêng về du lịch, thay vì tổng hợp với chính trị, văn hóa.

Việc quảng bá có thể bằng cách tổ chức cho các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế đến Hà Nội để cảm nhận môi trường du lịch, gặp gỡ đối tác, bởi họ chính là những người tuyên truyền tốt nhất cho Thủ đô. Đối tượng quảng bá là các thị trường có chuyến bay đến Hà Nội, nhưng vì nguồn tài chính có hạn, cần có tính toán nơi trước, nơi sau. Bà Đinh Nguyệt Ánh - Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour đề nghị ưu tiên khách du lịch tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan - nơi nhu cầu du lịch của người dân đang có xu hướng tăng. Và mỗi thị trường nên quảng bá sản phẩm du lịch riêng, phù hợp với thị hiếu của khách.

Điểm nhấn văn hóa  phi vật thể

Di sản văn hóa được xác định  là sản phẩm du lịch không thể thiếu trong các chương trình city tour, nhưng hạn chế ở việc vận chuyển khách đến. Do đó, để tạo được tour phong phú và hấp dẫn du khách, giải pháp tốt nhất là sự kết nối đồng nhất của các điểm vui chơi giải trí, khu mua sắm thời trang, đồ lưu niệm… trong một tour. Trong đó, nhấn mạnh tuyên truyền văn hóa phi vật thể với hát xẩm, hát chầu văn, dân ca quan họ… Du khách sẽ thú vị và ấn tượng sau khi đi dạo ngắm cảnh Hồ Gươm, thăm đền Ngọc Sơn, mua sắm ở Tràng Tiền Plaza và đến Nhà hát Lớn xem show trình diễn áo dài truyền thống và nón lá. Nếu du khách có nhu cầu, có thể mua bộ  áo dài và chụp ảnh cùng người mẫu… Hoặc, buổi chiều tối sau khi đi dạo quanh Hồ Gươm, du khách có thể bách bộ qua các tuyến phố cổ, thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Hà Nội ở tuyến phố ẩm thực, rồi đến một ngôi đình cổ nghe hát ca trù.

Ẩm thực Hà Nội cũng là sản phẩm cần được giới thiệu một cách ấn tượng. Sẽ rất thú vị khi khách du lịch đi du thuyền Hồ Tây, tản bộ quanh hồ hóng mát, thăm chùa Trấn Quốc và thưởng thức đặc sản bánh tôm Hồ Tây tại một nhà hàng đạt chuẩn gần đó. Trong không gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của mảnh đất hơn ngàn năm văn hiến, người nghệ sĩ say sưa biểu diễn đàn bầu, đàn tranh với những bản nhạc Việt giúp du khách thưởng thức món ăn ngon miệng để rồi từ đó muốn quay trở lại nơi này…

Rất nhiều ý tưởng được đưa ra để mở đường cho việc quảng bá du lịch Hà Nội. Và đúng như các chuyên gia du lịch bày tỏ, cho dù TP có những chính sách kích cầu, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là vai trò và ý thức của người dân trong việc làm du lịch, nếu không việc xúc tiến quảng bá cũng chỉ như một thước phim... kém chất lượng.