Mở hay đóng tăng trưởng tín dụng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để chủ động kiểm soát lạm phát, năm 2009 Chính phủ đã có chỉ đạo và NHNN đưa ra chủ trương khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 30%, sau đó hạ xuống 25 - 27% trước động thái đẩy mạnh vốn cho vay của các ngân hàng hơn 2 quý đầu năm.


KTĐT - Để chủ động kiểm soát lạm phát, năm 2009 Chính phủ đã có chỉ đạo và NHNN đưa ra chủ trương khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 30%, sau đó hạ xuống 25 - 27% trước động thái đẩy mạnh vốn cho vay của các ngân hàng hơn 2 quý đầu năm.
 

Tận dụng chính sách kích cầu để ngăn chặn đà suy giảm, các ngân hàng đã tranh thủ đẩy mạnh vốn cho vay khiến dư nợ tăng nhanh trong 2 quý đầu năm 2009. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra chủ trương kiểm soát chặt tín dụng, trong đó hạn chế việc ngân hàng đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán…, đến nay với cả tín dụng tiêu dùng, nhất là với mua, sửa chữa nhà trả góp, các ngân hàng cũng bắt đầu bị bó hẹp.

“Room” sắp đầy

Thực tế, để chủ động kiểm soát lạm phát, năm 2009 Chính phủ đã có chỉ đạo và NHNN đưa ra chủ trương khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 30%, sau đó hạ xuống 25 - 27% trước động thái đẩy mạnh vốn cho vay của các ngân hàng hơn 2 quý đầu năm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2009 vừa qua, NHNN lại nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành trong năm trở lại mức 30%.

Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 sáng 20/10 vừa qua cũng có chi tiết đáng chú ý, đó là năm 2009, Chính phủ ước tính tổng phương tiện thanh toán cả năm sẽ tăng khoảng 25%, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng trên 30%. Điều này có nghĩa là tăng trưởng tín dụng năm 2009 của ngành ngân hàng có thể sẽ tăng trên mức 30%, tức cao hơn giới hạn cho phép đưa ra trước đó. 

Thế nhưng, với các ngân hàng quốc doanh và 2 ngân hàng cổ phần lớn là Vietcombank, Vietinbank thì vào thời điểm này, “room” tăng trưởng tín dụng cho phép 30% sắp được sử dụng hết. Riêng với khối ngân hàng cổ phần, tuy đã được đăng ký hạn mức tăng trưởng theo quy mô và năng lực, nhưng qua trao đổi, nhiều đơn vị cho biết, trong bối cảnh hiện nay tăng trưởng tín dụng rủi ro tiềm ẩn lớn, còn lãi thu về lại bị co hẹp dần nên phải rất thận trọng. “Dù tín dụng là yếu tố quyết định trong hoạt động, nhưng vì trải qua một giai đoạn khó khăn của năm 2008 buộc ngân hàng phải nhìn lại mình và xác định tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức nào để có thể kiểm soát được rủi ro”, tổng giám đốc một ngân hàng nói.

Theo đánh giá của ông Phạm Duy Cường, Thành viên HĐQT Sacombank, hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2009 đã phần nào chủ động hơn năm trước, nhưng điều đó không có nghĩa là hết khó khăn, vì khủng hoảng chưa kết thúc. Do đó, Sacombank kiểm soát chặt hơn trong tăng trưởng tín dụng. Song vì năm 2008, tín dụng của Sacombank không tăng, do đó trước chủ trương kích cầu năm nay Ngân hàng đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 60%, nhưng đến đầu tháng 10/2009 Sacombank đã đạt tổng dư nợ 51.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 50%.

Như vậy, nếu so với kế hoạch đưa ra cả năm thì tỷ lệ tăng trưởng dư nợ còn lại của Sacombank là rất ít. Trong khi đó, nhu cầu vốn của khách hàng thường có xu hướng tăng lên vào cuối năm. Hiện cho vay cũng dễ hơn năm 2008, nhưng với chủ trương hạn chế tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng của NHNN, các ngân hàng không thể đẩy mạnh vốn ra thị trường. 

Mặt khác, với các quy định được NHNN đưa ra gần đây cùng chủ trương kiểm soát chặt chất lượng tín dụng và chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra không còn khoảng cách lớn như trước đã khiến cửa vốn cho vay của ngân hàng ngày một thu hẹp hơn. Đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, được quy định tại Thông tư 01/2009/TT - NHNN với chủ trương cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận từ tháng 2/2009, các ngân hàng đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay.

Trong đó, tín dụng mua, sửa chữa nhà trả góp được xem là sản phẩm chủ lực đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng. Thế nhưng, với văn bản hướng dẫn việc thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận vừa được NHNN gửi Thanh tra NHNN - Chi nhánh TP. HCM, chỉ cho phép ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với những người chưa có nhà ở vay tiền ngân hàng mua, sửa chữa nhà và phải áp dụng trần lãi suất 10,5%/năm cho khách hàng đã có nhà (3 - 4 căn) sử dụng tiền vay cho mục đích mua, sửa chữa nhà. Mặc dù, nguồn tiền trả nợ của hai đối tượng trên đều là thu nhập từ lương.

Cần rõ ràng và cụ thể

Giới kinh doanh ngành ngân hàng tỏ ra bức xúc trước thông tin này, vì cho rằng, áp dụng mức trần lãi suất 10,5%/năm cho các khách hàng đã có nhà vay tiền mua sửa chữa nhà chính là khuyến khích giới đầu cơ, giúp “người giàu” có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Còn với người có nhu cầu nhà ở thực sự buộc phải trả giá cao hơn, vì ngân hàng được áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với nhóm khách hàng này.

Điều đáng nói là không loại trừ việc NHNN sẽ hồi tố các hợp đồng tín dụng mà các ngân hàng đã ký với khách hàng (đã có 3 - 4 căn nhà) vay tiền mua, sửa chữa nhà áp dụng theo cơ chế lãi suất thỏa thuận kể từ khi Thông tư 01 được ban hành đến nay. Trong khi đó, nội dung Thông tư 01 không quy định cụ thể đối tượng cá nhân nào thì ngân hàng được áp dụng cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận. Vì vậy, các ngân hàng đã mạnh dạn cho khách hàng có nhà đem thế chấp vay tiền mua, sửa chữa nhà, với lãi suất áp dụng theo cơ chế thỏa thuận và liệt sản phẩm này vào tín dụng tiêu dùng.

Thực tế, tăng trưởng dư nợ tín dụng mua nhà trả góp đã phát triển tốt trong 3 quý đầu năm. Chẳng hạn như tại ABBank, mức tăng trưởng dư nợ tín dụng mua nhà trả góp chiếm hơn 15% trong tổng dư nợ tiêu dùng của Ngân hàng. Tương tự, tại ACB tỷ lệ này cũng trên 15% trong tổng dư nợ của khách hàng cá nhân. DongA Bank cũng cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, 9 tháng đầu năm nay Ngân hàng chỉ tập trung cho cá nhân vay vốn mua, sửa chữa nhà trả góp… Có nghĩa là, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay đối với loại hình tín dụng trên và không loại trừ việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận.

Do đó, qua trao đổi với ĐTCK, phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho rằng, nếu áp dụng lãi suất trần đối với tín dụng mua, sửa chữa nhà đối với khách hàng đã có 3 - 4 căn nhà thì vô tình sẽ triệt tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cá nhân - vốn được xem là mảng tín dụng tiêu dùng tiềm năng. Đồng thời, đây cũng là loại hình tín dụng mà ngay từ những tháng đầu năm 2009, NHNN đã khuyến khích tăng trưởng để kích cầu.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng tại TP. HCM cũng tỏ ra bức xúc, vì với quy định trên các ngân hàng phải thu hẹp tín dụng mua, sửa chữa nhà đối với những người đã có nhà (do áp dụng trần lãi suất sẽ không có lãi khi mà lãi suất huy động đang tiến sát trần cho vay). Theo vị giám đốc này, NHNN nên có một văn bản chính thức gửi đến các NHTM, đồng thời cần có một quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề trên. Nếu hạn chế thì cũng không nên hồi tố các trường hợp mà ngân hàng đã cho vay theo cơ chế thỏa thuận kể từ tháng 2 đến nay.

Trong khi đó, theo lý giải của một cán bộ cấp cao NHNN, chủ trương của cơ quan này hiện nay là muốn hạn chế tăng trưởng tín dụng, nhất là với tín dụng bất động sản. Mặt khác, với quy định trên, các NHTM sẽ phải dừng cuộc đua lãi suất tiền gửi, nhằm ổn định thị trường. Vì theo vị cán bộ trên, làn sóng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng từ đầu năm đến nay không nằm ngoài mục đích đẩy mạnh tín dụng cá nhân với cơ chế lãi suất thỏa thuận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần