Mô hình chợ Tết tại các huyện - Người dân và doanh nghiệp cùng có lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 9 điểm bán hàng theo mô hình chợ Tết tại một số huyện trên địa bàn TP không chỉ có tác dụng bình ổn giá trong những ngày áp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 mà còn tạo cơ hội cho DN đẩy mạnh liên kết trong việc tiêu thụ hàng Việt.

Chất lượng hàng hóa phải đảm bảo

Từ nhiều năm nay, UBND TP và các DN sản xuất, phân phối liên tục tổ chức điểm bán hàng Việt tại các huyện, qua đó không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý mà còn hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu. Chính vì vậy, những phiên chợ Tết do TP và Sở Công Thương tổ chức tại ngoại thành được nhiều người dân quan tâm khi được tổ chức ngày một quy củ, đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dịp Tết.
Người dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh chọn mua hàng Việt tại phiên chợ Tết 2016.  Ảnh: Phạm Hùng
Người dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh chọn mua hàng Việt tại phiên chợ Tết 2016. Ảnh: Phạm Hùng
Thực tế cho thấy, vào dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc nạn hàng lậu, hàng giả hoành hành. Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, từ cuối năm 2014, Sở Công Thương đã đặt ra tiêu chí lựa chọn DN tham gia Chương trình chợ Tết phải là DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, đồ uống, nước giải khát, hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, dệt may, đồ gia dụng và sản phẩm làng nghề truyền thống... Trong đó, ưu tiên lựa chọn các DN tham gia Chương trình Bình ổn giá; có khả năng tổ chức bán hàng tốt. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng yêu cầu hàng hóa, sản phẩm tham gia Chương trình phải là hàng Việt Nam, bảo đảm về chất lượng mẫu mã, đầy đủ thông tin, bảo đảm VSATTP, có mức giá hợp lý. Theo lãnh đạo Sở Công Thương: Chương trình chợ Tết Bính Thân 2016 không chỉ thu hút các DN sản xuất, bán lẻ tham gia mà còn có sự góp mặt của nhiều cơ sở sản xuất hàng truyền thống tại địa bàn các huyện. Đặc biệt, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, ngành công thương Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành như Hải Phòng, Nha Trang, Thanh Hóa, Hòa Bình…, qua đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản vùng miền.

Doanh nghiệp, chính quyền tích cực vào cuộc

Ghi nhận tại 9 điểm bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng theo mô hình chợ Tết tổ chức tại các huyện ngoại thành dịp Tết năm nay cho thấy, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các DN và chính quyền địa phương đã tích cực “vào cuộc” từ rất sớm.

 Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết: Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho chợ Tết tổ chức tại các huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Oai và khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hapro đã chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá hơn 6 tỷ đồng với gần 2.000 mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Trong quá trình tổ chức chợ Tết, DN đã khảo sát thực tế nhu cầu mua sắm của người dân để có cơ cấu hàng hóa phù hợp với người dân ngoại thành. Hapro cũng đẩy mạnh liên kết với các DN tỉnh Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình… trong việc khai thác nguồn hàng. “Thông qua hoạt động liên kết với DN sản xuất, Hapro cam kết nguồn hàng cung ứng đủ số lượng, chất lượng đảm bảo, giá bán hợp lý cho người dân" - ông Vượng khẳng định.

Tại chợ Tết tổ chức ở huyện Quốc Oai, đại diện Công ty CP Bánh kẹo Hùng Hạnh (tỉnh Hà Nam) với thương hiệu bánh Sapie cho biết, tham gia chợ Tết, DN chuẩn bị lượng hàng trị giá gần 100 triệu đồng. Sản phẩm của DN được người dân rất ưa chuộng vì bánh vừa thơm ngon, mẫu mã đẹp được thiết kế bắt mắt, giá cả lại hợp lý cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Thực tế cho thấy, để hỗ trợ DN tham gia chợ Tết UBND các huyện, Ban quản lý khu công nghiệp nơi tổ chức các điểm bán hàng cũng đã phối hợp với Sở Công Thương, DN khảo sát, lựa chọn địa điểm tổ chức phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới người dân về chương trình. Ghi nhận qua các năm cho thấy, chính quyền các địa phương đã ưu tiên những khu vực thuận lợi giao thông, diện tích rộng rãi làm nơi tổ chức gian hàng cho DN. Ðồng thời, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, điện, nước, VSMT... tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán của DN và người dân.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Chương trình chợ Tết qua các lần tổ chức ghi nhận những ý kiến tích cực từ DN và người dân, thúc đẩy liên kết vùng miền. Các phiên chợ Tết cũng đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tin của người dân đối với sản phẩm hàng hóa Việt, góp phần bình ổn giá, ổn định thị trường, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.