Vi phạm giảm mạnh
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ khi triển khai Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm mô hình Đội QLTTXD cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô, công tác QLTTXD đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong năm 2019, tiến hành kiểm tra gần 19.700 công trình; phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm tại 605 công trình (chiếm tỷ lệ 3,07%, giảm 2,15% so với năm 2018). Số lượng công trình đã xử lý dứt điểm là 393/605 trường hợp, đạt tỷ lệ 78%. Riêng Đội QLTTXD cấp quận, huyện, thị xã đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp. Trong năm 2019, các Đội QLTTXD cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt 9,9 tỷ đồng.
Việc thí điểm mô hình Đội QLTTXD cấp huyện đã cho thấy hiệu quả, nhất là việc ràng buộc trách nhiệm đối với UBND cấp huyện, cấp xã, giúp giảm đáng kể tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng. Do đó, rất cần thiết phải tiếp tục thí điểm thêm 3 năm để đánh giá hiệu quả cụ thể. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
“Đội QLTTXD tại các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tích cực với Thanh tra Sở Xây dựng tập trung xử lý dứt điểm các công trình vi phạm TTXD tồn đọng. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn của TP trong việc xử lý các công trình vi phạm trên đất công, đất nông – lâm nghiệp, công trình gây ảnh hưởng hành lang đê điều, đường bộ, đường sắt, lưới điện, di tích lịch sử…” – đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Rút ngắn thời gian xử lý
Đội trưởng Đội QLTTXD huyện Mê Linh Nguyễn Văn Vỹ cho biết, từ khi TP Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình này, công tác phối hợp công việc với các đơn vị chuyên môn của huyện thuận lợi hơn rất nhiều, giảm được quy trình báo cáo và rút ngắn thời gian xử lý vi phạm. “Nếu như trước đây, chúng tôi phải tổng hợp báo cáo về Thanh tra Sở để chờ ý kiến xử lý đối với tất cả các trường hợp vi phạm thì nay những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp huyện báo cáo trực tiếp để xử lý, rút ngắn được thời gian” – ông Vỹ chia sẻ.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Quang Đặng cho biết, trước đây khi trực thuộc Sở, sự phối hợp hoạt động của Đội với các đơn vị chuyên môn của huyện chỉ mang tính chất thông báo, chưa chặt chẽ. “Từ khi chuyển về trực thuộc UBND cấp huyện, lãnh đạo Đội QLTTXD được trực tiếp tham gia các cuộc họp của UBND, để nắm bắt nghe chỉ đạo. Vì vậy, công tác phối hợp xử lý công việc được tăng cường tốt hơn” – ông Đặng nói.
Tuy nhiên, theo quy chế hoạt động, Đội QLTTXD chỉ có chức năng phát hiện, lập biên bản sự việc, không được phân quyền về xử phạt nên việc tham mưu về phương án xử lý lại mất thêm một khoảng thời gian. Vì vậy, nên chăng cơ quan chức năng xem xét, bổ sung thêm chức năng quyền hạn trong xử lý vi phạm TTXD cho các Đội QLTTXD cấp quận, huyện, thị xã, để hoạt động mô hình thí điểm này đạt hiệu quả cao hơn.