Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình dọn rác thông minh của SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng

HẠNH NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất phát từ thực tiễn môi trường biển, sông hồ, kênh rạch đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng bởi các loại rác thải, chàng sinh viên (SV) Võ Anh Khoa (SV năm cuối Khoa cơ khí giao thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cùng nhóm bạn thực hiện ý tưởng làm ra một phương tiện có thể dọn rác ở trên cạn cũng như dưới nước.

Kết cấu đơn giản, dễ vận hành
Sau khi được hội đồng khoa học nhà trường xét duyệt, ý tưởng này đã gây được tiếng vang, thu hút sự quan tâm của truyền thông cũng như lãnh đạo thành phố bởi vì ô nhiễm môi trường biển hiện nay đang là vấn đề nóng.
 Mô hình máy dọn rác thông minh của các SV trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Mô hình có tên “Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bờ biển, mặt nước”, được thực hiện bởi nhóm 3 SV đang theo học ngành Kỹ thuật tàu thủy – Khoa cơ khí giao thông của Đại học Bách Khoa bao gồm: Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật và Trương Văn Bình. Cùng với đó có sự tham gia của các SV khóa dưới cũng như sự quan tâm của các thầy, cô trong nhà trường.
Với kết cấu đơn giản, mô hình dễ vận hành, người sử dụng có thể dễ dàng điều khiển thiết bị. Vật liệu chính để tạo ra mô hình này là thép và composite (vật liệu tổng hợp). Cấu tạo gồm các bộ phận chính: Hệ thống khung gầm di chuyển, động cơ đẩy dưới nước, cửa thu gom rác thải, băng tải thu gom rác, bộ xử lý rác và thùng chứa rác.
Từ lúc hình thành ý tưởng cho đến khi hoàn thành mô hình, nhóm SV mất khoảng 6 tháng với tổng mức chi phí gần 30 triệu đồng. Đây quả thực là một con số không nhỏ đối với các bạn SV, dù vậy nhóm không ngại khó khăn để hoàn thiện mô hình. Nếu được hoàn thiện, đi vào sản xuất và sử dụng tổng mức chi phí cho dự án này có thể lên đến 200-350 triệu đồng.
Cần quan tâm đưa mô hình thành hiện thực
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài, SV Võ Anh Khoa cho biết, nan giải nhất chính là vấn đề về tài chính, nhóm gần như phải chủ động hoàn toàn mọi chi phí. Nhóm đã rất khó khăn trong việc chọn mua các linh kiện cần thiết nhưng phải phù hợp với túi tiền, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo chất lượng để hoàn thiện về sản phẩm. “Nếu sản phẩm được đầu tư sản xuất ở quy mô lớn hơn thì chắc chắn sẽ là sản phẩm hoàn thiện và chất lượng”, Anh Khoa chia sẻ.
Tính năng ưu việt nhất của sản phẩm là có thể dọn, thu gom rác cả trên cạn cũng như dưới nước. Chiếc máy vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Mô hình có thể hoạt động liên tục trong vòng 10 giờ với vận tốc 12km/h. Trung bình mỗi ngày, mô hình có thể thu gom được khoảng 20 kg rác, số rác thu lại sẽ được xử lý qua nhiều bộ xử lý khác nhau của máy hoặc sẽ được gom lại và chuyển về cho môi trường đô thị.
 Hy vọng máy dọn rác của các bạn SV bách khoa Đà Nẵng sớm được chế tạo thử nghiệm và đưa vào sản xuất.
Trần Văn Nhật - SV Khoa cơ khí giao thông, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng em kỳ vọng trong tương lai mô hình sẽ được hoàn thiện hơn và được đi vào sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, nhóm mong muốn phát triển mô hình có thể tích hợp hệ thống tự động tìm rác, tập kết và xử lý rác”.
Thạc sĩ Phạm Trường Thi – Giảng viên Chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy, trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, người trực tiếp hướng dẫn các bạn SV thực hiện đề tài cho biết: Việc mô hình dọn rác thải này được sử dụng rộng rãi sẽ tạo ra môi trường biển sạch đẹp, góp phần giúp Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch sạch sẽ, để lại dấu ấn mạnh mẽ cho du khách trong và ngoài nước. Trong tương lai, mong rằng sản phẩm có thể được hỗ trợ đầu tư, sản xuất có quy mô và được ứng dụng nhiều hơn.
Được biết, Thành đoàn Đà Nẵng sẽ phối hợp với Hội doanh nghiệp trẻ thành phố có một buổi làm việc trực tiếp với nhóm SV để bàn bạc hướng chế tạo một chiếc thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất.