Theo đánh giá của Bộ TN&MT năm 2018, ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni lông và thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày. Trong đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 - 6 túi ni lông /ngày.
Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông, con số này vẫn không ngừng tăng lên. Và ở châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng mô hình của cửa hàng “Less waste” (giảm thiểu rác thải) đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm đầu tư, với mong muốn giảm thiểu được lượng rác nhựa dùng một lần được thải ra mỗi ngày. Với tốc độ gây ô nhiễm môi trường của rác thải nhựa hiện nay, các nhà khoa học ước tính đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương.
Mô hình cửa hàng “Less waste” vận hành như thế nào?
Tôi đã có vài dịp ghé thăm một số cửa hàng “Less waste” tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây có bán rất nhiều các mặt hàng thực phẩm, đồ uống dinh dưỡng, các nhu yếu phẩm hàng ngày, mỹ phẩm được làm từ các nguyên liệu tự nhiên,… tất cả đều được bày bán và đóng gói theo một số hình thức thân thiện môi trường như: No Packaging - người dùng tự mang túi/lọ đến, chọn và cân sản phẩm rồi bỏ vào túi đã mang theo.
Đối với các sản phẩm như dầu ăn, nước mắm, sữa tắm, dầu gội,… người mua sẽ mang lọ đựng theo để “refill” (làm đầy), như vậy nhà sản xuất vừa tiết kiệm được chi phí bao bì, đồng thời cũng giảm lượng chai lọ thải ra môi trường cho mỗi sản phẩm. Chưa kể hình thức “refill” rất tiện lợi cho khách hàng, họ có thể mua tùy ý số lượng mong muốn mà không cần phải mua nguyên chai như trước.
Closed-loop - đóng gói sạch, nhà sản xuất nhận lại bao bì để tái chế và tái sử dụng: Đối với hình thức này, khách hàng sau khi đã mua sản phẩm và dùng hết có thể mang bao bì đến cửa hàng khi mua lần sau sẽ được giảm giá. Với bao bì đã qua sử dụng, nhà sản xuất sẽ tái sử dụng cho những lần gói sau.
Sử dụng túi giấy/chai lọ thân thiện với môi trường để đựng các sản phẩm cho khách khi mua hàng: Tại cửa hàng luôn có sẵn túi giấy/chai lọ dành cho khách hàng lần đầu mua sản phẩm hoặc không mang theo sẵn đồ đựng.
Ngoài ra, cửa hàng "Less waste" cũng bán các vật dụng thân thiện với môi trường có thể tái sử dụng nhiều lần như: ống hút cỏ, ống hút tre, ống hút inox, bộ đũa muỗng bằng tre, ly tre, túi vải, các loại chai lọ đựng nước, hộp đựng thức ăn...
Với nhiều phương thức đóng gói linh động, phù hợp với từng loại sản phẩm nên tại các cửa hàng “Less waste” vẫn sử dụng bao bì nhựa.
Tuy nhiên đối với những sản phẩm này, bạn hoàn toàn có thể mang bao bì đến refill hoặc được giảm giá cho lần mua tiếp theo, đây là chính sách giá của các thương hiệu tại cửa hàng “Less waste” nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu rác thải nhựa. Bao bì khách mang đổi sẽ được nhãn hàng tái chế sử dụng cho việc đóng gói sản phẩm sau đó.
Khách hàng của cửa hàng “Less waste” là ai?
Cửa hàng “less waste” hướng đến cộng đồng những người có lối sống xanh, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đây chính là điểm xanh mang đến phương thức sống tự nhiên khỏe mạnh. Mặc dù chưa được nhân rộng nhưng những cửa hàng “Less waste” đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.
Một buổi chiều cuối tuần ngồi thưởng thức ly nước ép dùng ống hút thủy tinh, ăn Salad trong tô bằng trái dừa tại cửa hàng, tôi quan sát những khách hàng ghé đây chủ yếu là các bạn trẻ giới văn phòng. Các bạn đến tìm mua cho mình những chiếc bình đựng nước mang theo, chiếc ống hút Inox hoặc thủy tinh, có khi là cục xà bông handmade, hoặc chai tinh dầu thiên nhiên. Cũng có bạn mang theo túi vải để mua vài ký gạo, chút đậu phộng,… người mua tự lấy cho vào túi rồi mang ra quầy cân tính tiền.
Về nguồn gốc, các sản phẩm được bán tại các cửa hàng “Less waste” đều có nguồn gốc rõ ràng từ các đối tác quốc tế hoặc địa phương uy tín. Vì thế, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi mua hàng tại đây. Đương nhiên, đi kèm với chất lượng thì giá cả sản phẩm tại đây cũng khá cao, nhưng bạn sẽ cảm thấy những đồng tiền bạn bỏ ra xứng đáng với sản phẩm bạn đã nhận được.
“Less waste” hay “Zero waste”?
Nếu có thể “Zero waste” - (không rác thải) thì quá tuyệt vời, nhưng có lẽ “Zero waste” là một bước nhảy vọt trong quá trình nói không với rác thải khó phân hủy. Với lượng rác thải nhựa quá lớn trên thế giới, thì bước đầu vẫn nên là “Less waste”. Ngoài “Less waste” tại Việt Nam cũng có một vài cửa hàng “Zero waste” nghĩa là hoàn toàn không có rác thải.
Tuy nhiên, “Zero waste” khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Nếu hoàn toàn sử dụng các vật dụng khai thác từ thiên nhiên cây cỏ, rồi một ngày liệu chúng ta có phải đối mặt với tình trạng không còn cây xanh? Vì với tốc độ khai thác và sử dụng của con người, cây cối sẽ không thể phát triển kịp để đáp ứng. Tôi nhớ có lần ghé chơi một cửa hàng, khi tư vấn cho cặp vợ chồng Tây, bạn nhân viên rất tự tin nói với họ rằng sản phẩm của cửa hàng được làm hoàn toàn từ cây cối thiên nhiên, không sử dụng nhựa.
Người chồng đã đáp lại rằng: “Không sử dụng nhựa rồi tụi mày đi chặt cây phá rừng hả, rồi tụi mày có trồng lại cây không?”. Bạn nhân viên đơ người không biết trả lời sao chỉ biết cười, bản thân tôi lúc ấy cũng không biết trả lời sao, khi trong thực tế rừng cũng đang bị tàn phá mỗi ngày.
Không thể so sánh giữa 2 mô hình cửa hàng này, vì chúng có cùng chung mục đích khi ra đời. Nhưng phải chăng xét theo tính thực tế hiện tại, mô hình cửa hàng “Less waste” giúp chúng ta cân bằng môi trường hơn trong việc sử dụng những vật dụng thân thiện môi trường. Bởi việc sử dụng hộp nhựa vẫn được xem là món đồ thân thiện môi trường nếu đó là loại hộp có thể tái sử dụng nhiều lần. Thân thiện môi trường không hẳn là sản phẩm ấy phải được làm từ cây cỏ thiên nhiên, dễ phân hủy.
Nếu chưa thể “Zero waste” thì hãy “Less waste” trước. Đừng sợ mỗi lần ra ngoài mua đồ mà phải xách theo túi chai lọ lỉnh kỉnh thật phiền phức, hãy thử ghé thăm một cửa hàng “Less waste” để trải nghiệm cảm giác thú vị khi không cần phải sử dụng những chiếc túi ni-lông, để thấy, chỉ với việc sử dụng một chiếc ống hút inox là bạn đã giúp giảm lượng ống hút nhựa được thải mỗi ngày. “Less waste” không khó, chỉ cần bạn để tâm mình vào đó.
Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù trên cả nước mới chỉ có vài cửa hàng “Less waste”, “Zero waste” tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thế nhưng đã cho thấy sự quan tâm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với môi trường, không chỉ đơn thuần là sự tuyên truyền mà đó là hành động. Mỗi người chỉ cần ngưng xả ra môi trường dù chỉ là một chiếc ống hút nhỏ cũng đã góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Và mô hình cửa hàng "Less waste" chính là sự phát triển tất yếu trong xu hướng sống xanh bảo vệ thiên nhiên. Trong tương lai hy vọng sẽ có thật nhiều hơn nữa những cửa hàng “Less waste” trên toàn quốc. |