Mô hình nào cho chính quyền địa phương?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền...

Kinhtedothi - Sáng 24/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến không nhất trí với phương án bỏ HĐND ở cấp quận, phường, bởi nguyên tắc ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát.

Không có cơ sở để bỏ HĐND quận, phường

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều ĐB "mổ xẻ" và cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Đa số ĐB nghiêng về phương án ở đâu có quyền lực, ở đó có cơ quan giám sát quyền lực, đã là chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND. ĐB Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Dự Luật đưa ra phương án ở quận, phường không có HĐND, chỉ có UBND mà gọi là chính quyền địa phương là không đúng với khoản 2, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 và không đúng với quy định Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, thông qua HĐND và thông qua các cơ quan khác. 

 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến.         Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là bỏ đi thiết chế dân chủ gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của Nhân dân. Ở đâu có UBND mà không có HĐND là ở đó mất đi công cụ pháp lý hữu hiệu. ĐB Vinh cũng đặt ra một loạt câu hỏi: Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là cấp quận, phường, tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND ở nơi đó ra sao? Việc quyết định các vấn đề ở địa phương có đảm bảo tính dân chủ không?  ĐB Lê Anh Sơn  (đoàn Nam Định) thẳng thắn: "Chúng ta không nên và đừng bao giờ quên HĐND với tư cách là cơ quan dân cử đại diện cho Nhân dân là thành quả của nền dân chủ, tất cả các nước người ta đều làm. Nước nào trước không có HĐND, bây giờ người ta đang chuẩn bị làm HĐND, ta thì lại bỏ đi. Tôi đề nghị lần này thảo luận Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cũng là lúc chúng ta tuyên bố, chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND".   

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc HĐND một số nơi hoạt động còn hình thức, hiệu lực, hiệu quả không cao có nguyên nhân do thiếu các cơ chế và chế tài, chưa tạo điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò chức năng của mình. Nhưng không nên dựa vào một số nơi hoạt động không tốt mà lấy đó làm cơ sở để không tổ chức HĐND. Cũng không nên để tình trạng UBND ở nơi tổ chức HĐND phải chịu trách nhiệm trước cả HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính cấp trên, trong khi UBND nơi không tổ chức HĐND chỉ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu, cách tổ chức chính quyền địa phương cũng thiếu thống nhất, gây nhiều khó khăn phức tạp trong quá trình quản lý. 

Ngoài ra, việc có hay không có HĐND ở cấp quận, phường phải căn cứ vào hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ có hình thức như ở một số nơi thời gian qua. Không đồng tình với phương án nào, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Bây giờ bàn nơi này có HĐND, nơi kia không có HĐND là không có cơ sở, chúng ta phải đi từ gốc vấn đề mới giải quyết được bài toán. ĐB phân tích: Hiến pháp chỉ quy định về mặt nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương, mở rất rộng dư địa để Luật tổ chức một chế định mới là chính quyền địa phương mà không có giới hạn nào. Do đó, cần nhìn nhận trên quan điểm xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chứ không phải Luật Tổ chức HĐND và UBND sửa đổi. Luật này giải quyết các vấn đề tồn tại trong mô hình tổ chức mà Hiến pháp đã mở ra. "Chính quyền địa phương về cơ bản lâu dài cần hai cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở, nhưng chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, cần tính đến chuyện thiệt hơn trong lúc quá độ. Những nơi lớn có thể để 3 cấp nhưng phải theo hướng tăng cường mở rộng xã lên, các thị trấn đô thị phải là cấp chính quyền đầy đủ. Ban soạn thảo phải làm rõ từng vấn đề, tập trung từ gốc" - ĐB Trần Du Lịch nêu quan điểm. 

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cả hai phương án đưa ra trong Dự Luật đều không phù hợp hoặc không chuyển tải đầy đủ tinh thần của Hiến pháp. ĐB đề nghị chính quyền nông thôn theo lộ trình vẫn giữ 3 cấp chính quyền. Chính quyền đô thị, đã đến lúc cần thay đổi, việc tổ chức chính quyền 2 cấp (TP và cơ sở phường, xã) là phù hợp, theo nghĩa có đủ HĐND và UBND.

Chưa rõ phân quyền,phân cấp 

Việc phân định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng là vấn đề cốt lõi của Dự Luật, các ĐB cho rằng cần làm rõ để tránh chồng chéo, bất cập như hiện nay. Theo ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc), cần xác định rõ từng cấp chính quyền địa phương;  HĐND, UBND, Chủ tịch HĐND, UBND có nhiệm vụ quyền hạn gì để đảm bảo tính minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền T.Ư với chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng theo nguyên tắc phân cấp - phân quyền, phân cấp - ủy quyền.

ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nêu rõ: Dự Luật chỉ liệt kê nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh trên cơ sở tổng hợp các luật chuyên ngành trong khi các luật này được ban hành trước Hiến pháp năm 2013. Do đó, chưa thể hiện đúng, đầy đủ tinh thần Hiến pháp mới, vẫn còn tình trạng cùng một nhiệm vụ cả 3 cấp chính quyền cùng thực hiện mà không có mức độ phân định như thế nào, giới hạn đến đâu. 

Nhiều ĐB cũng nhận định, việc phân định rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm mới nói đến việc giảm biên chế hiệu quả. Thực tế cho thấy, có bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng khi việc xảy ra, đa phần các cơ quan, đơn vị cho rằng do thiếu quyền lực, cần thành lập thêm tổ chức mới. Việc xác định trách nhiệm cũng rất khó khăn cho cả tổ chức lẫn người đứng đầu mà nguyên nhân là do trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không rõ ràng, do vậy việc giảm biên chế còn hạn chế.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi) và các Nghị quyết thi hành các Luật này. Đồng thời, thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

 
"Việc tổ chức một mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm riêng của khu vực đô thị là một định hướng rất đúng. Tuy nhiên, mô hình thiết chế bên trong của bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ của nó như thế nào để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm tính hợp hiến là vấn đề chưa được làm rõ. Một số kết quả có được trong quá trình thí điểm bỏ HĐND quận, phường cũng chưa giúp chúng ta thấy được những khác biệt bên trong của một chính quyền đô thị. Theo đó, sự lúng túng trong việc đưa ra một mô hình chính quyền đô thị như trong Dự Luật cũng là điều dễ hiểu. " - Đại biểu Trần Minh Diệu  (đoàn Quảng Bình)

"Từ năm 1980 - 2013 có 3 cấp đơn vị hành chính đều đồng bộ là HĐND và UBND. Hơn nữa, ở các cấp quận, phường với dân số lớn như hiện nay, để mối liên hệ với Nhân dân được thực hiện thuận lợi và có điều kiện chính là thông qua HĐND, đây cũng là ý kiến của nhiều cử tri. Do vậy, đề nghị trong Luật cần khẳng định chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các cấp đơn vị hành chính. Khẳng định như vậy để điều chỉnh lại Dự Luật chỉ theo phương án này." - Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội)