Nhiều hoàn cảnh thương tâm
Đã gần 3 tháng trôi qua kể từ ngày tạm lánh trong NNBY để "trốn" những trận đòn của người chồng vũ phu, chị C.T.H – (huyện Hoài Đức) vẫn chưa vơi đi cảm giác bất an và nỗi ám ảnh khi gần 2 năm ròng rã phải sống trong cảnh BLGĐ.
Vì “nhỡ kế hoạch” nên trong 2 năm, vợ chồng chị đã có 3 đứa con (2 bé sau sinh đôi). Không có con trai là cái cớ để chồng chị uống rượu nhiều hơn. Sau mỗi cơn say, anh ta lại "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ. “Tôi rất sợ những trận đòn của chồng. Anh ta nhìn thấy vợ là lại chửi. Vợ chỉ cần cãi một câu là sẽ bị đánh” - chị H kể.
Các thành viên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển tại Lễ phát động Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Trần Thảo |
Với một trường hợp khác chúng tôi gặp ở NNBY là chị M.T.L – nghề làm tóc (huyện Thanh Trì). Chị L chia sẻ, từ khi bước chân về nhà chồng cũng là ngày cuộc đời chị sang một trang đen tối bởi bạo lực tinh thần diễn ra thường xuyên. Chồng chị hơn chị 10 tuổi, bản tính lại đa nghi. Với ý nghĩ vợ trẻ, lại làm nghề làm tóc nên anh ta luôn lo sợ vợ ngoại tình. Vì thế, anh ta luôn muốn kiểm soát vợ bất cứ lúc nào. Nhiều lúc chỉ vì chồng ghen tuông vô cớ mà không biết bao lần chị L phải nhập viện.
"Trung tâm thường có những hoạt động song song, tư vấn cho người bị bạo lực và cho cả những người gây bạo lực. Đối với những người gây bạo lực, đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ khoảng 900 người." - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Phạm Thị Hương Giang |
Gieo niềm hy vọng
Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Phạm Thị Hương Giang cho biết, Trung tâm đã xây dựng được 2 NNBY ở Hà Nội và 1 NNBY ở Cần Thơ. Ngoài ra, Trung tâm còn có một số mô hình khác hỗ trợ cho sự an toàn của phụ nữ như: Tham vấn, hỗ trợ pháp lý, đặc biệt với những nạn nhân bị BLGĐ; hỗ trợ đào tạo nghề (nghề may, thêu, làm tóc, trang điểm, dịch vụ trong khách sạn…), giới thiệu việc làm; các hoạt động đào tạo cho nạn nhân những kỹ năng để tự bảo vệ mình… Tất cả các hoạt động này đều hướng tới bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh duy trì hoạt động ở NNBY, hàng năm, Trung tâm còn tổ chức rất nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực phòng chống bạo lực giới. Một trong những hoạt động quan trọng là việc thành lập nên nhóm tự lực.
Đến nay, số lượng thành viên đã lên tới hơn 70 người, chủ yếu là phụ nữ tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, theo bà Giang, công tác giải quyết vấn đề BLGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, bà Giang mong muốn mô hình NNBY ngày càng được nhân rộng ở một số tỉnh, thành khác. Đặc biệt, các trung tâm thường xuyên tổ chức những lớp đào tạo kỹ năng làm việc với các nạn nhân để những người bị BLGĐ có một cuộc sống tốt hơn.
Cuộc chiến chống BLGĐ vẫn đang tiếp diễn, dù còn không ít chông gai, nhưng ở những người phụ nữ bị BLGĐ đã ánh niềm hy vọng “không ai có quyền quyết định được cuộc sống của người khác”. Đó là lý do mà NNBY đang nỗ lực với sứ mệnh hỗ trợ các chị em phụ nữ và trẻ em có được kiến thức, kỹ năng để tự tin và chủ động đưa ra những quyết định của cuộc đời mình.