Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 1/11, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 1/11, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.
Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình - Ảnh 1

*Xem toàn văn báo cáo giám sát tại đây

Báo cáo giám sát nhận định, qua hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu. Trên cơ sở mục tiêu, định hướng đã đề ra, xin khái quát quá trình tổ chức, triển khai tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế như sau:

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đến năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước từ 20,08% xuống còn 18,38%, tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,92% lên 81,62% GDP. Cán cân thương mại cải thiện đáng kể, xuất siêu liên tục từ 2012 đến nay, riêng 9 tháng đầu năm 2014 xuất siêu ước đạt 2,47 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là 62 huyện thuộc Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực; thành tựu giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách ưu đãi người có công được triển khai kịp thời, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân được phổ biến sâu rộng đến người dân. Mặc dù khó khăn nhưng hàng năm số lao động được tạo việc làm mới vẫn đạt xấp xỉ chỉ tiêu đề ra. Tiềm lực khoa học công nghệ tiếp tục được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, nông nghiệp, y tế, công nghệ tế bào, tế bào gốc, vi sinh, ghép tim được ứng dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP ước thực hiện bình quân 5 năm 2011-2015 là 5,78%, không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%). Điều này cho thấy những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình rõ nét. Vấn đề đặt ra là kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì, phát triển của doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Kết quả xuất siêu trong thời gian qua thiếu yếu tố bền vững, bởi việc xuất siêu một phần do thành tựu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu, nỗ lực của doanh nghiệp, sự gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời có yếu tố doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng làm suy giảm nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có xu hướng giảm, theo Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam giảm từ hạng 59/144 (năm 2010/2011) xuống hạng 75/144 (năm 2012/2013).

Chất lượng, hiệu quả đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu giúp phân bổ vốn nhà nước tập trung, hiệu quả hơn. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7% GDP). Tuy nhiên, việc giảm nhanh tốc độ tăng vốn đầu tư thời gian qua đặt ra thách thức phải tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong hai năm 2014 và 2015 nếu muốn đạt chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm khoảng 33,5%-35% GDP để tác động tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo việc làm nhiều hơn.

Năng suất lao động xã hội tăng (năm 2011: 3,5%; năm 2012: 6,1%; năm 2013: 10,1%), có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2015 tăng từ 29-32% so với năm 2010. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng và đạt thấp so mục tiêu đến năm 2015 và 2020. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm.

Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Trong những năm gặp nhiều khó khăn thì nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế; tuy nhiên, đến năm 2012 - 2013, nông nghiệp không thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng như trước. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới triển khai và có nhiều nỗ lực xây dựng xong 12 đề án tái cơ cấu cụ thể, nhưng những vấn đề lớn bức xúc lâu nay như mô hình sản xuất, mô hình quản lý hiệu quả, việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, thị trường giá cả, sản xuất gắn với tiêu thụ và chế biến tạo giá trị gia tăng hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân vẫn tiếp tục đặt ra và đòi hỏi phải có hệ thống chính sách và giải pháp đủ mạnh để hỗ trợ lĩnh vực này.

Về tái cơ cấu ngành công nghiệp: Mặc dù nhiều chính sách đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trong nước để thay thế nhập khẩu đã được triển khai, đạt kết quả như trong lĩnh vực sản xuất phân bón, lọc hóa dầu... tuy nhiên, nhìn chung lộ trình phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ chưa rõ ràng; công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp đối với doanh nghiệp có sản phẩm toàn cầu.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính, thị trường bất động sản, liên kết kinh tế vùng, phát triển ngành: Thị trường vốn phát triển chậm, vốn đầu tư cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngắn hạn từ hệ thống NHTM. Thị trường bất động sản chuyển biến chậm, tồn kho còn lớn trong khi nhu cầu của một bộ phận nhân dân quan tâm đến nhà ở thu nhập thấp vẫn chưa được đáp ứng. Tính liên kết vùng thống nhất với phát triển ngành để phát huy tiềm năng và tăng sức mạnh tổng hợp chưa đạt kết quả rõ nét.

Về tổ chức thực hiện quá trình tái cơ cấu: mặc dù nhiều địa phương đã chủ động, quyết tâm thực hiện và thành lập Ban chỉ đạo về tái cơ cấu song sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở trung ương và giữa trung ương với địa phương còn lúng túng, thiếu đồng bộ, nhất là việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện.  

Báo cáo giám sát cũng đưa ra những hạn chế trong quá trình tái cơ cấu khi thấy rõ hơn thực trạng của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình. Chưa tính toán được một cách toàn diện mối quan hệ tác động lẫn nhau trong tái cơ cấu ở các lĩnh vực trọng tâm và cả nền kinh tế. Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công. Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch đầu tư ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm. Tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới. Một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu DNNN và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD còn chậm.

Các hạn chế của quá trình tái cơ cấu xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan nhất là chưa có sự đánh giá toàn diện để lượng hóa bằng mục tiêu, chỉ tiêu và triển khai một cách đồng bộ; về mặt thời gian, đến tháng 5/2012 Quốc hội mới thảo luận Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và đến tháng 2/2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án; cách thức triển khai giải quyết nhiều vấn đề bức xúc chưa quyết liệt, còn lúng túng; cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính còn chậm; sự phối kết hợp của các cấp, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong một số công việc tái cơ cấu nền kinh tế chưa chủ động, chưa gắn kết chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc, xác định và xử lý trách nhiệm chưa thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

Sau khi nghe báo cáo giám sát, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.