Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình “thành phố trong thành phố”: tiền đề nâng cao chất lượng sống của người dân

Chuyên gia về quy hoạch đô thị, TS. KTS Hoàng Hữu Phê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Việc xây dựng một đô thị theo mô hình “thành phố trong thành phố” được xem là xu thế tất yếu khi chúng ta bước vào toàn cầu hóa, là tiền đề quan trọng để kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Ở bài viết này, tác giả sẽ đi sâu vào phân tích các góc nhìn về mật độ dân cư đô thị của Thủ đô Hà Nội, khi TP chủ trương xây dựng một mô hình “thành phố trong thành phố”.

Câu chuyện về mật độ dân cư đô thị

Việc chính quyền TP Hà Nội chủ trương xây dựng một mô hình đô thị “thành phố trong thành phố” với điểm nhấn là các khu đô thị vệ tinh ở những khu vực cửa ngõ của Thủ đô, với mục tiêu tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giảm tải áp lực về quy mô dân số trong khu vực nội đô cũ.

Xây dựng Thành phố Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Xây dựng Thành phố Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Nhưng bản chất của vấn đề có thể hiểu là chúng ta đang hướng đến việc dịch chuyển và xây dựng những trung tâm kinh tế, tài chính, giao dịch mới kéo theo sự dịch chuyển của thị trường bất động sản và những “khu đô thị nén” mới được hình thành.

Vậy mật độ dân cư đô thị được tác động bởi những yếu tố như thế nào? Một trong những nét thú vị của tính cách con người là xu thế hướng đến những gì mình không có và mật độ dân cư đô thị, là một ví dụ khá rõ nét.

Ở đây ta sẽ xét đến một cách đo mật độ đơn giản nhất để tránh những phức tạp, đó là số dân sống trên một đơn vị diện tích rộng 1km2. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng với diện tích và dân số hiện tại, Hà Nội còn xa mới lọt vào danh sách 10 TP có mật độ dân cư cao nhất thế giới, nếu tính cục bộ tại quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm với khoảng 35.000 – 40.000 người/km thì không thấm vào đâu so với quận trung tâm của TP Dhaka (Bangladesh) khoảng 1 triệu người/km, gấp đến 30 lần. Con số so sánh này sẽ khiến chúng ta không đến nỗi hoảng loạn, mất bình tĩnh về mật độ đô thị chúng ta đang có.

Nền học thuật về đô thị ở các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ thường có thiên hướng coi mật độ đô thị là một thuộc tính có ích, dương tính, trong khi đó ở Việt Nam, mật độ đô thị gần như bao giờ cũng được coi là âm tính.

Các dự án phát triển đô thị ở châu Âu hiện tại thường được khen ngợi khi tạo ra được các khu dân cư có mật độ cao (đôi khi gọi là đô thị nén), thì ở Việt Nam vẫn hay mang ra chê bai những khu đô thị có mật độ (được nhận thức là) cao, coi đó như là kết quả không phải bàn cãi của một sự gian dối trong tính toán chỉ tiêu quy hoạch để đạt lợi nhuận tối đa hoặc là tác động của một thứ cơ chế “xin, cho” đáng lên án trong phát triển đô thị.

Câu chuyện về mật độ đô thị, nếu chỉ nhằm vào khía cạnh nhận thức, nghĩa là trên cơ sở của sở thích, thị hiếu hoặc thành kiến, thì có lẽ sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung, vì, như người ta thường nói, không ai tranh luận về thị hiếu.

Mật độ dân cư đô thị dưới góc nhìn phát triển bền vững ban đầu có vẻ như là một nghịch lý, nhưng nhận thức là các địa điểm cư trú mật độ cao có carbon print nhỏ hơn hẳn những nơi mật độ thấp, hay nói cách khác là đô thị nén tỏ ra bền vững hơn, dần dần đã được thừa nhận và phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở Cộng đồng châu Âu.

Một mật độ dân cư đô thị cao vừa phải, đạt được nhờ vào các yếu tố: quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp (mixed – use planning); sử dụng tối đa năng lực giao thông transit, sẽ đạt đến việc giảm thiểu nhu cầu năng lượng và các tài nguyên khác, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Mật độ dân cư đô thị dưới góc nhìn cạnh tranh đô thị: nếu các đô thị truyền thống ra đời chủ yếu dựa trên sự cần thiết về giảm thiểu chi phí giao thông và tận dụng những ưu thế tích tụ sản xuất - thương mại, thì lý do tồn tại, phát triển của đô thị hiện đại chính là sự tiếp xúc mặt - đối - mặt của dân cư đô thị như nền tảng của phát minh và sáng tạo; hay nói cách khác, nền kinh tế tri thức chỉ có thể nảy sinh, phát triển và cạnh tranh thành công nếu năng lực sáng tạo của dân cư đô thị được nhân lên, đặc biệt là thông qua tiếp xúc - mặt - đối mặt. Những tiếp xúc như vậy chỉ diễn ra khi mật độ dân cư đạt đến một giá trị giới hạn nào đấy.

Áp lực từ các đô thị cạnh tranh trực tiếp

Trước hết, chúng ta cùng nhớ lại sự kiện mang tính lịch sử của Hà Nội cách đây hơn 16 năm, đó là quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô – đây được xem là tư duy mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển đất nước của các nhà lãnh đạo ở thời điểm đó.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng

Khi chúng ta đang bước vào một thế giới toàn cầu hóa và các đô thị trên thế giới có sự cạnh tranh trực tiếp với nhau, bởi trước đây đơn vị cạnh tranh nhau là nền kinh tế, hay nói cách khác là cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau, nhưng nay đơn vị cạnh tranh là các đô thị.

Mục đích của việc mở rộng địa giới hành chính nhằm gia tăng sức mạnh kinh tế cho Thủ đô; đồng thời để Thủ đô có đủ đất để hoàn thiện các chức năng còn yếu hoặc chưa có như: vành đai xanh, các khu giãn dân, khu đô thị sinh thái, khu công nghệ cao, khu xử lý chất thải môi trường... Nhưng quan trọng hơn cả là để cạnh tranh thành công với các đô thị tương tự trong khu vực. Mà nếu cạnh tranh không thành công, nghĩa là Hà Nội sẽ thất bại ở vai trò một đô thị và sẽ bị mai một hoặc phụ thuộc (vào các khoản tài chính từ T.Ư chẳng hạn).

Và một trong những thành công lớn nhất của Thủ đô Hà Nội sau hơn 16 năm theo đánh giá của chúng tôi nó không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một trung tâm chính trị - hành chính; mà Hà Nội đang bước đầu thành công trong việc xây dựng một Thủ đô đa chức năng, có sức cạnh tranh cao, đây được xem là xu thế phát triển tất yếu, khách quan.

Hiện nay Hà Nội là một đầu mối kinh tế - giao dịch, văn hóa, khoa học công nghệ và giao thông quan trọng nhất của đất nước. Như vậy, với hướng đi này, chúng ta sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng với các đô thị tương tự trong khu vực, hay nói cách khác là vị thế Thủ đô của Hà Nội sẽ góp phần làm cho mô hình này được bổ sung thêm những chức năng mới, phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời có sức cạnh tranh lớn hơn.

Vậy, xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố” sẽ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề gì? Trước hết có thể khẳng định cho đến bây giờ chúng ta mới nhận ra rằng đe dọa lớn nhất đối với các đô thị không phải sự đông đúc nhiều khi đến chật chội, mà là sự hoang vu không ai buồn đến! Vì vậy có việc xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố” ngoài mục tiêu quan trọng nhất là tạo động lực cho phát triển một cách toàn diện kinh tế - xã hội của Thủ đô (yếu tố quan trọng nhất để gia tăng sức cạnh tranh với các đô thị trong khu vực); thì việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.

Ở đây, tôi sẽ đi sâu vào phân tích việc những TP vệ tinh nó sẽ tạo ra một phong cách sống mới liên quan đến nhà cao tầng, giúp giảm tải áp lực về mật độ cư dân trong vùng nội đô. Chúng tôi xác định rằng, nhóm mục tiêu (target group), tức là nhóm khách hàng mà các khu đô thị vệ tinh sẽ kỳ vọng thu hút là lớp công dân trẻ, có học thức và hứa hẹn thu nhập cao (thuật ngữ quy hoạch quốc tế thường gọi là yuppies, hay young urban professionals), và cái chính là sẵn sàng chấp nhận một lối sống mới gắn với nhà cao tầng từ 25 - 34 tầng, một số trong đó là rất cao so với Hà Nội thời đầu những năm 2000.

Theo đó, tầng lớp khách hàng nòng cốt này sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền trên thị trường dựa vào vị thế xã hội được tạo nên bởi chính họ. Các thủ pháp chính được sử dụng: khuyến khích các tiếp xúc mặt - đối - mặt của dân cư bằng cách tạo ra mật độ cao vừa phải và các không gian mở thuận tiện cho việc giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là lứa trẻ, tầng lớp yuppies; toàn bộ các tầng mặt đất đều được sử dụng vào mục đích công cộng (văn phòng, thương mại, y tế) nhằm tránh các biểu hiện lấn chiếm hoặc “cát cứ” thường thấy đối với tầng mặt đất; tạo ra các khu vực không có giao thông cơ giới và cố gắng thúc đẩy sinh hoạt kiểu đường phố (trái với quan niệm của Corbusier), tạo sức sống thật sự cho một khu mới xây dựng.

Theo tôi, đơn giản là vì việc ấn định một TP nào đó làm thủ đô thì dễ hơn rất nhiều so với việc xây dựng một đô thị đa chức năng thành công. Nói cách khác, một đô thị thành công, tức là có khả năng cạnh tranh kinh tế cao, có thể đồng thời là một thủ đô thành công, nhưng một TP chỉ có chức năng chính trị - hành chính thì không chắc có thể cạnh tranh vì sự thành công của một đô thị, cũng như một con người, không bao giờ là ngẫu nhiên.

Hà Nội ngay từ lúc mới thành lập, đã là một TP đa chức năng có thể nói là thành công (nếu không nó đã phải mai một!). Ban đầu hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện dựa vào sông Hồng đã làm cho thương mại – giao dịch phát triển. Vị trí thủ đô khiến cho các ngành dịch vụ và thủ công truyền thống đóng một vai trò quan trọng.

Các kết quả của công cuộc công nghiệp hóa từ năm 1954 đã đưa Hà Nội từ một TP tiêu thụ thành một TP sản xuất. Hiện nay Hà Nội là một đầu mối kinh tế - giao dịch, văn hóa, khoa học công nghệ và giao thông quan trọng nhất nước. Phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” chính là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp đời sống cho người dân trong tương lai.

 

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định, phát triển một số khu vực đô thị theo mô hình “thành phố trong thành phố” với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô. Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như TP, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển. Trong đó, giai đoạn trước mắt Hà Nội sẽ nghiên cứu hình thành 2 TP thuộc Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, đó là xây dựng TP khoa học - đào tạo (TP phía Tây) tại khu vực Hòa Lạc và TP sân bay (TP phía Bắc) gồm: một phần Đông Anh, một phần Mê Linh quanh sân bay Nội Bài và huyện Sóc Sơn.