Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở hướng bảo tồn biệt thự cổ

Triệu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tòa biệt thự Pháp cổ số 49 phố Trần Hưng Đạo được chuyển thành Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cũ Hà Nội, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của quận Hoàn Kiếm. Đây là giải pháp quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của các biệt thự cổ trên địa bàn TP.

Sau một năm trùng tu, căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài đã có diện mạo mới.
Sau một năm trùng tu, căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài đã có diện mạo mới.

Kiến trúc độc đáo trong căn biệt thự cổ

Thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa vùng Ile-de-France và UBND TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành trùng tu, tôn tạo ngôi biệt thự Pháp tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France. Dự án khởi công tháng 4/2022 và đến nay đã hoàn thành. Ngôi biệt thự hai tầng với diện tích xây dựng 174m2, nằm trên khuôn viên 993m2, là một trong số rất ít biệt thự của Hà Nội còn lại với sân vườn rộng như vậy. Nơi đây sẽ trở thành Trung tâm Giao lưu văn hóa khu phố cũ.

Trước đó, việc trùng tu, tu bổ ngôi biệt thự đã gặp nhiều khó khăn, do đây là biệt thự tư nhân nên không có tài liệu lưu trữ, ngoài một bức ảnh duy nhất chụp gia đình chủ nhà đứng trước ngôi biệt thự. Tuy nhiên, những người tham gia dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đã cố gắng nghiên cứu, phân tích và quyết định thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản, gìn giữ tối đa yếu tố gốc của công trình.

Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, một du khách đến tham quan biệt thự cho hay, hiện nay, căn biệt thự vẫn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc thời Pháp. "Một điểm độc đáo tôi thấy được, là Ban Quản lý tòa nhà đã khôi phục lại các trụ sở, chức năng của ngôi biệt thự. Việc trùng tu đã giữ lại những đặc điểm nổi bật của các không gian này, vừa đảm bảo tính chất lịch sử, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng hiện nay" - ông Nghĩa chia sẻ.

Đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội (đơn vị tổ chức trưng bày) cho biết, sau gần một năm tiến hành trùng tu với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, đến nay việc cải tạo biệt thự cơ bản đã hoàn thành. Ngoài hình ảnh còn có các hiện vật như cấu kiện gỗ cũ của biệt thự, găng tay của thợ... để du khách hiểu thêm về quá trình các kiến trúc sư, chuyên gia người Việt - Pháp trùng tu công trình. 

Ngoài ra, căn biệt thự vẫn giữ được những nét nguyên bản, giữ được hồn xưa kiến trúc Pháp. Toàn bộ công trình được hoàn thiện bằng lớp vữa trát, là lớp vữa tam hợp gồm cát, vôi, xi măng. Đặc biệt, chất liệu và màu sắc của lớp sơn gốc cũng là chất vôi và màu sắc tương thích như ở hiện tại. Bên cạnh đó, cầu thang xoắn ốc bên trong biệt thự có 25 bậc đã được ốp gỗ như đúng nguyên bản. Vị trí lắp đặt và chi tiết trang trí lò sưởi ngay tại phòng khách cũng đã tái hiện lại khung cảnh của những ngôi nhà Pháp cổ xưa kia.

Nhìn xa hơn, du khách không khó để nhận ra phần mái được lợp ngói đỏ trên phần xà sắt đen. Trước kia phần xà sắt được nhập khẩu từ Pháp. Sau khi được sửa chữa, dưới mái được thiết kế thêm trần để giữ thẩm mỹ và làm mát khi vào Hè. Quá trình này không chỉ là việc đơn thuần làm mới, mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa việc bảo tồn giá trị lịch sử và áp dụng các công nghệ hiện đại. Các chuyên gia kiến trúc đã tỉ mỉ khám phá từng chi tiết của ngôi biệt thự, từ cửa sổ đến cánh cổng, từ sàn nhà đến mái vòm, với sự tôn trọng và duy trì văn hóa thời Pháp.

Đưa vào khai thác có hiệu quả

Bác Trần Mai Lan (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Là một người yêu thích lịch sử, đam mê kiến trúc, tôi rất háo hức khi được đến đây tham quan căn biệt thự. Nhìn sự đổi thay từ trước và sau khi trùng tu, tôi nghĩ đây là một trong những thành công ban đầu của TP khi phục dựng được những công trình cổ".

Trong thời gian tới, căn biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm Giao lưu văn hóa Pháp của 

Hà Nội. Ngoài ra, được ví như một cánh cửa mở về quá khứ, biệt thự này sẽ cung cấp cho khách tham quan không chỉ cái nhìn về những di sản kiến trúc độc đáo, mà còn là sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống trong khu vực trong giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX.

Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX) Emmanuel Cerise cho rằng, ngôi biệt thự này không đơn giản là một công trình kiến trúc Pháp thuần túy, đây là sản phẩm có sự giao thoa, kết hợp với rất nhiều kỹ thuật xây dựng của Việt Nam. “Sau khi ngôi biệt thự được trùng tu và có một cuộc đời thứ hai, được sống lại trong bối cảnh của Hà Nội đương đại ngày nay, tôi hy vọng nó sẽ trở thành nhân chứng tiếp theo của một giai đoạn lịch sử mới, tham gia vào quá trình phát huy giá trị các di sản cho Hà Nội cũng như các hoạt động văn hóa chung của Thủ đô trong thời gian tới" - ông Emmanuel Cerise nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan thông tin, trong khu biệt thự sẽ trưng bày quá trình trùng tu, cải tạo. Cùng với đó, đơn vị sẽ giới thiệu một số hiện vật như cấu kiện gỗ cũ của ngôi biệt thự, đôi găng tay của người thợ nhằm giúp người dân, du khách hiểu rõ hơn về quá trình mà các kiến trúc sư, chuyên gia của 

Việt Nam và Pháp đã nỗ lực tôn tạo, tu bổ ngôi biệt thự theo kiến trúc cũ.

Hiện nay, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng đang xây dựng kế hoạch để đưa vào sử dụng ngôi biệt thự một cách hiệu quả với những hoạt động mang tính thường xuyên hơn, để địa chỉ này sớm thành một điểm tham quan, check in ưa thích của đông đảo người dân và du khách, đặc biệt là giới trẻ.

 

Việc mở cửa ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo để đón khách tham quan nằm trong chuỗi chương trình "Tết Việt -Tết phố" do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức. Chương trình kéo dài từ ngày 26 - 28/1 với nhiều hoạt động hấp dẫn khác như giớithiệu không gian sinh hoạt, đónTết của một gia đình Hà Nội xưa tại ngôi nhà di sản (87 Mã Mây); dâng lễ cửa đình, dựng cây nêu, khai mạc sáng 28/1 tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc); trang trí không gian Tết truyền thống tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); trang trí không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).