70 năm giải phóng Thủ đô

Mở hướng khai thác công nghiệp văn hóa

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ ở mục tiêu đến năm 2030 mà còn đưa ra tầm nhìn mang tính dài hơi đến năm 2045.

Điều quan trọng trong chiến lược là tạo ra chính sách thu hút nguồn lực để coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực “tiêu tiền” mà là lĩnh vực đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển

Ngày 17/6/1999 Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30/10/2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy Nguồn lực văn hóa và Sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: “Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực”. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của TP).

Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của TP Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP). Năm 2019 Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách tham quan, bằng 1/3 lượng khách du lịch của cả nước. Hà Nội luôn ở trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới.

Các nghệ sĩ và người nông dân cùng nhau thể hiện tài năng trong vở diễn "Tinh hoa Bắc Bô"
Các nghệ sĩ và người nông dân cùng nhau thể hiện tài năng trong vở diễn "Tinh hoa Bắc Bô"

Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là Hà Nội coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực “tiêu tiền” mà là lĩnh vực đem lại nguồn thu lớn cho địa phương. Chúng ta có thể nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ nét nhất của công nghiệp văn hóa chính là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” do đạo diễn Hoàng Nhật Nam đưa vào khai thác sử dụng ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Đây được xem là một mô hình đang nở rộ ở nhiều quốc gia du lịch

 

Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng về quản trị tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa; cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để việc điều tiết quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh câu chuyện cùng một lúc rất nhiều địa phương tổ chức lễ hội cùng nhau, như vậy sẽ mang tính cạnh tranh và triệt tiêu lẫn nhau. Hà Nội cũng mong muốn có chính sách để phát triển các loại quỹ về văn hóa của cả công và của cả tư.

TP xin sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, trên cơ sở đó là tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong

phát triển, việc thực hiện những vở diễn thực cảnh không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh văn hóa, khoe nét đẹp của địa phương mà nó còn là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách xa gần. Ngay trong khu vực châu Á, rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… từ nhiều năm nay đã thực hiện những vở diễn thực cảnh lớn với sự tham gia của nhiều đạo diễn tên tuổi lớn như Trương Nghệ Mưu, Phùng Tiểu Cương… để hấp dẫn khách du lịch.

Vở diễn“Tinh hoa Bắc Bộ” được xem là vở thực cảnh đầu tiên, mở ra nhiều hướng đi mới cho phát triển du lịch của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Vở diễn được xây dựng trên diện tích 1,75ha với đầy đủ các hạng mục như: Khán đài 2.500 chỗ ngồi, phần “cánh gà” là những rặng tre, trúc được trồng bao quanh. Điều đặc biệt của “nhà hát” thiên nhiên này là sân khấu nước có diện tích 4.300m2 có thể di chuyển được theo từng màn diễn. 

Hiện nay vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” duy trì trung bình 3 buổi diễn/tuần, mỗi suất diễn đón trung bình từ 300 – 400 khách, vào những ngày cuối tuần con số này còn cao hơn. Có thể là vội vàng khi nói đến sự thành công về doanh thu của vở diễn, nhưng với nhiều nhận định tốt về chất lượng của vở diễn, rõ ràng đây là hướng đi tích cực, sản phẩm tốt của ngành công nghiệp văn hóa đem lại nguồn thu tiềm năng cho địa phương.

Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã định hướng nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong đó có nhấn mạnh đến nội dung “Triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ.

Đề xuất thí điểm chính sách về văn hóa

Hiện nay, bên cạnh một số thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đang phải đối diện với nhiều thách thức và khó khăn không nhỏ. Chính vì vậy, để trở thành một trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”, Phó Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm:

Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng;

Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến;

Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”;

Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô;

Thứ năm, đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển;

Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nhấn mạnh trong Nghị quyết để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cụ thể là: 1. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; 2. Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới;

3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô; 4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; 5. Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế;

6. Thu hút và hỗ trợ đầu tư; 7. Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; 8. Triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.