Hơi thở đương đại trong nghệ thuật sân khấu
Kinhtedothi – Thời gian qua, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã có sự thể nghiệm sáng tạo khi ứng dụng công nghệ hiện đại, lối diễn mới trên chất liệu truyền thống, mang tới làn gió mới mẻ cho nghệ thuật sân khấu.
Những thử nghiệm mới mẻ
Sau 9 năm ra mắt trên sân khấu múa rối vào năm 2016, vở kịch nổi tiếng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ lại một lần nữa được đạo diễn, NSƯT Lê Chí Kiên thổi một làn gió mới trên sân khấu Nhà hát Múa rối Thăng Long. Tác phẩm vẫn trung thành với nội dung của kịch bản nhưng ở phiên bản 2025, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được kể lại bằng ngôn ngữ múa rối cạn và hơi thở của thời đại.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trên sân khấu rối cạn phiên bản 2025.
Theo đó, việc sử dụng rối bóng trong vở diễn của đạo diễn Lê Chí Kiên được đánh giá cao bởi sự sáng tạo, mới mẻ. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, trầu văn kết hợp với âm nhạc hiện đại như hip hop, rap… trong tác phẩm cũng mang lại cảm giác mới lạ cho người xem.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ được xem là một tác phẩm sân khấu kinh điển, được dàn dựng ở nhiều loại hình sân khấu khác nhau như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương… Tuy nhiên, theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đánh giá, “Hồn Trương ba, da hàng thịt” của Nhà hát Múa rối Thăng Long mang tới cho khán giả nhiều trải nghiệm mới lạ. Vở kịch rối nổi trội khi áp dụng thành công công nghệ hiện đại, đồng thời kết hợp được nhiều chất liệu nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Cũng nằm trong dòng chảy đổi mới của nghệ thuật sân khấu, tối 10/5 vừa qua, Sân khấu Kịch Hồng Vân đã cho ra mắt khán giả vở kịch "3D Cung tâm kế", phần tiếp theo trong chuỗi hài kịch "Xóm trọ 3D" và "Bí ẩn cafe 3D". Vở kịch xoay quanh những biến động trong phủ của Bảo Quan đại nhân, người có ba người vợ là La phu nhân, Quý phu nhân và Y Lan phu nhân.

Vở kịch "3D Cung tâm kế" mang đến thử nghiệm mới mẻ với mô típ xuyên không.
Ở vở kịch này, yếu tố hài hước, cổ trang và vấn đề giới tính đã hội tụ trong kịch bản của Đinh Mạnh Phúc và đạo diễn, NSND Hồng Vân tạo nên một trải nghiệm mới lạ cho người xem. Đáng chú ý, việc đưa mô típ xuyên không lên sân khấu kịch cũng là một thử nghiệm tương đối mới mẻ, mang hơi thở sáng tạo của dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Lan tỏa nghệ thuật truyền thống
Nghệ thuật sân khấu có lịch sử lâu đời và là niềm tự hào của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nhưng, cùng với dòng chảy thời gian, trong nhịp sống hiện đại, nghệ thuật sân khấu đứng trước nhiều thách thức bảo tồn, phát huy giá trị. Bởi vậy, việc các nhà hát, đơn vị nghệ thuật nỗ lực làm mới, đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với công chúng đương đại là điều rất đáng ghi nhận.
Vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là tác phẩm của Nhà hát Múa rối Thăng Long thực hiện nhằm triển khai Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 5/11/2021 của UBND TP Hà Nội về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Theo kế hoạch, thời gian tới, vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ được Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn tại các trường học trên địa bàn TP trong chương trình sân khấu học đường.

Vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ được biểu diễn trong các trường học trên địa bàn Hà Nội.
“Hy vọng rằng, vở rối cạn này không chỉ giới thiệu tới học sinh những nét độc đáo của nghệ thuật biểu diễn sân khấu nói chung, múa rối nói riêng mà còn giúp các em có thêm những trải nghiệm sâu sắc và cụ thể hơn về các tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục phổ thông” - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Trần Thanh Hiền chia sẻ.
Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 5/11/2021 của UBND TP Hà Nội hướng tới mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời có khả năng thích ứng với xu hướng nghệ thuật đương đại, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa thẩm mỹ cho Nhân dân, quảng bá hình ảnh Thủ đô ra thế giới. Trong đó tập trung vào 4 loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, múa rối và kịch.
Cũng nhằm bảo tồn, phục dựng các vở kịch kinh điển, tiêu biểu và các vở kịch mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội đang phục dựng lại vở kịch nói “Tôi và chúng ta” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, dự kiến sẽ được công diễn trong tháng 5/2025. Vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở Xí nghiệp Thắng Lợi, giữa hai lực lượng: bảo thủ và đổi mới.

Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ phục dựng lại vở kịch nói "Tôi và chúng ta" của tác giả Lưu Quang Vũ.
Vở kịch do NSND Trung Hiếu đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Đức Quang, Thiện Tùng, Linh Huệ, Ngọc Quỳnh; các nghệ sĩ: Thùy Anh, Diễm Hương, Tiến Lộc, Thanh Hương… Theo NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đây là lần thứ ba của Nhà hát phục dựng vở kịch này, sau hai lần trước vào năm 1985 và 2000.
Ngay khi có thông tin vở kịch “Tôi và chúng ta” được phục dựng lại, khá nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú và ngóng chờ đến ngày được thưởng thức trên sân khấu của Nhà hát kịch Hà Nội. Từng thủ vai Thanh trong “Tôi và chúng ta” ở phiên bản trước, NSND Thu Hà cũng bày tỏ sự phấn khích khi vở diễn được làm mới bởi những gương mặt mới, một phong cách mới. “Tôi không thể quên được quá khứ hào hùng của vở kịch “Tôi và chúng ta” khi đã có một thời phải xếp hàng, đăng ký giấy giới thiệu mới mua được vé vào xem” – NSND Thu Hà chia sẻ.
Trích dẫn
Nhà hát chèo Hà Nội cũng đang phục vụ vở chèo cổ “Trinh Nguyên” - một tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật chèo. Vở diễn do NSND Trần Quốc Chiêm, NSƯT Đoàn Đình Vinh chỉnh lý, biên soạn; đạo diễn: NSND Trần Quốc Chiêm. Theo đại diện Nhà hát chèo Hà Nội, việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển những giá trị nghệ thuật truyền thống đẹp đẽ mà cha ông để lại luôn là nhiệm vụ quan trọng được nhà hát đặc biệt quan tâm.

"Đám cưới chuột" - câu chuyện dân gian tỏa sáng trên sân khấu xiếc
Kinhtedothi - Chiều 13/12, tại rạp Đại Nam, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu vở diễn “Đám cưới chuột”.

Đề án sân khấu học đường: nâng cao năng lực thẩm mỹ, bồi đắp nhân cách cho học sinh
Kinhtedothi – Đề án sân khấu học đường là hình thức học tập mở, góp phần nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, định hướng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh; tiến tới học sinh không chỉ xem, nghe mà còn trực tiếp tham gia dàn dựng, biểu diễn tác phẩm văn học được sân khấu hoá.

Xây dựng công viên di sản vinh danh tổ nghề sân khấu Việt Nam
Kinhtedothi - Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình đang phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các bước đầu tư, xây dựng công viên di sản danh nhân tổ nghề sân khấu Việt Nam theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.