Đề án sân khấu học đường: nâng cao năng lực thẩm mỹ, bồi đắp nhân cách cho học sinh
Kinhtedothi – Đề án sân khấu học đường là hình thức học tập mở, góp phần nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, định hướng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh; tiến tới học sinh không chỉ xem, nghe mà còn trực tiếp tham gia dàn dựng, biểu diễn tác phẩm văn học được sân khấu hoá.
172 buổi biểu diễn phục vụ khoảng 80.000 học sinh
Ngày 8/4, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết “Đề án giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2030” trong giai đoạn thí điểm 2022 – 2024 (gọi tắt là Đề án sân khấu học đường).

Học sinh Thủ đô hào hứng với các tác phẩm văn học được sân khấu hóa và giao lưu với các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội.
Đề án sân khấu học đường được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3871/QĐ-UBND ngày 16/10/2022. Mục tiêu của Đề án nhằm đưa nghệ thuật sân khấu – một loại hình nghệ thuật tổng hợp giàu tính giáo dục đến gần hơn với học sinh, giúp các em tiếp cận, cảm nhận sâu sắc hơn các tác phẩm văn học qua hình thức biểu diễn sinh động, trực quan.

Trích đoạn vở "Chuyện người con gái Nam Xương" do Nhà hát Kịch Hà Nội chuyển thể, dàn dựng và biểu diễn.
Ngay sau khi được phê duyệt, Sở VH&TT Hà Nội – đơn vị chủ trì đã tích cực phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã cùng hệ thống trường phổ thông trên địa bàn TP tham gia triển khai Đề án. Sau 3 năm thí điểm, nhờ sự phối hợp của các đơn vị, nhà trường, Nhà hát Kịch Hà Nội – đơn vị được giao triển khai Đề án ở giai đoạn thí điểm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
NSND Nguyễn Trung Hiếu – Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội thông tin: trong giai đoạn thí điểm, đơn vị đã dàn dựng thành công 5 tác phẩm mới trong danh mục được UBND TP phê duyệt, như: "Chuyện người con gái Nam Xương", "Thuý Kiều - một kiếp đoạn trường", "Tinh thần thể dục", "Lời bà kể", "Quẫn".
Ngay từ khâu lựa chọn kịch bản, Nhà hát Kịch Hà Nội đã chọn lọc các tác phẩm có nội dung văn hóa truyền thống kết hợp với nhiều hình thức thể hiện phong phú để học sinh dễ dàng đón nhận và yêu thích. Từ thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh, âm nhạc, phối khí… đều mang tính đương đại làm tác phẩm sân khấu trở nên gần gũi hơn với hơi thở cuộc sống hiện đại; qua đó giúp học sinh hào hứng hơn trong quá trình thưởng thức.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, Nhà hát Kịch Hà Nội đã tổ chức thành công 172 buổi biểu diễn (tại nhà hát và tại trường) cho khoảng 80.000 học sinh của các trường phổ thông tại 14 quận, huyện trên địa bàn TP. Học sinh các nhà trường đều khẳng định, khi được thưởng thức các vở diễn, các em có thêm phương thức cảm thụ mới một cách nhanh chóng, dễ hiểu, mềm mại và độc đáo qua hình tượng nghệ thuật sân khấu.
Đề án đã mở ra một hình thức học tập mở, hấp dẫn các đối tượng học sinh thông qua việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật của sân khấu, góp phần truyền đến học sinh những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, giúp các em mở mang tri thức, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, góp phần định hướng, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng tình yêu quê hương cũng như sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Đề án cũng là hình thức cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 về phát triển GD&ĐT trong việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Theo đó, Điều 22 Luật Thủ đô 2024 về "Phát triển giáo dục và đào tạo" khẳng định, phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục triển khai Đề án đồng bộ, bài bản, sâu rộng
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Lê Thị Ánh Mai biểu dương những thành công bước đầu của Đề án trong giai đoạn thí điểm; đồng thời khẳng định, Đề án sân khấu học đường là mô hình giáo dục giàu tính nhân văn, phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế mà giai đoạn thí điểm gặp phải, như: số lượng buổi biểu diễn còn ít so với tổng số trường học; hệ thống trang thiết bị sân khấu lưu động chưa được đầu tư đồng bộ; kinh phí triển khai chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng của Đề án; công tác tuyên truyền tại cơ sở chưa phổ rộng.

Học sinh Thủ đô giao lưu với diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội.
Tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, Sở VH&TT Hà Nội xác định giai đoạn 2025 – 2030 là trọng điểm để triển khai rộng rãi, đồng bộ và nâng tầm hiệu quả của Đề án sân khấu học đường trên địa bàn TP.
Để đảm bảo mục tiêu đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với học sinh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục thẩm mỹ và nhân cách cho thế hệ trẻ, Sở VH&TT Hà Nội đề nghị Nhà hát Kịch Hà Nội hoàn thiện báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn thí điểm để Sở VH&TT trình UBND TP và cùng các đơn vị có liên quan chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, Sở VH&TT sẽ tăng cường quy mô, phấn đấu tổ chức từ 1.800 - 2.000 buổi biểu diễn, đảm bảo mọi trường phổ thông trên địa bàn TP đều được tiếp cận ít nhất một chương trình sân khấu học đường trong mỗi năm học. Sở VH&TT sẽ phối hợp Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại cơ sở, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, Sở VH&TT sẽ tham mưu UBND TP quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu lưu động phục vụ biểu diễn ngoài trời, phù hợp với điều kiện thực tế tại các trường học.
Trong giai đoạn tới, ngoài Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ có 5 nhà hát trực thuộc Sở VH&TT thuộc các loại hình nghệ thuật tham gia triển khai Đề án. Do đó, Sở VH&TT đề nghị các đơn vị chủ động xây dựng kịch bản, dàn dựng các vở diễn mới phù hợp lứa tuổi học sinh; phát huy lực lượng nghệ sĩ được đào tạo bài bản, tạo nên các chương trình chất lượng, hấp dẫn, có tính giáo dục cao.
Cùng với công tác dàn dựng, biểu diễn, các đơn vị cần đổi mới hình thức tuyên truyền và tiếp cận học sinh; khuyến khích các nhà hát khai thác chất liệu văn học dân gian, lịch sử dân tộc, kết hợp cách thể hiện hiện đại để tạo nên sân khấu gần gũi, hấp dẫn, góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách, lòng yêu nước cho học sinh Thủ đô.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương phát biểu tại hội nghị.
Nhận định việc triển khai Đề án sân khấu hoá học đường là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và TP, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh, giai đoạn thí điểm là khởi đầu tốt đẹp, ý nghĩa và tiến tới sẽ thực hiện Đề án trên quy mô lớn hơn với trên 1.700 trường từ cấp tiểu học đến cấp THPT với gần 2 triệu học sinh ở cả loại hình công lập và tư thục.
“Sở VH&TT Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị của ngành văn hóa để đưa văn hóa nghệ thuật đến với học sinh – đối tượng vừa là khán giả tiềm năng; vừa là lực lượng bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống trong tương lai” - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương khẳng định; đồng thời mong muốn sớm có chương trình liên tịch giữa Sở VH&TT và Sở GD&ĐT Hà Nội để hai đơn vị đồng chủ trì, phối hợp cùng triển khai Đề án theo hướng bài bản, đầy đủ, toàn diện hơn.

Hà Nội: hơn 200.000 học sinh lớp 11, 12 hoàn thành tập dượt thi tốt nghiệp
Kinhtedothi- Từ ngày 20 – 23/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ khảo sát chất lượng với học sinh khối 11 và 12. Đây được coi là đợt tập dượt ý nghĩa, nhất là học sinh lớp 12 để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2025.

Không gây áp lực học thêm cho học sinh
Kinhtedothi – Tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư 29/2024 diễn ra ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã lưu ý các địa phương về công tác thi, tuyển sinh theo chương trình mới.

40 năm Hà Nội - Amsterdam: thương hiệu giáo dục mũi nhọn của Thủ đô và cả nước
Kinhtedothi – Ra đời từ khát vọng hòa bình và tình hữu nghị, 40 năm qua, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã khẳng định vị trí tiên phong đổi mới giáo dục, là lá cờ đầu trong đổi mới đất nước, gửi gắm tâm huyết về GD&ĐT của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp trồng người.