Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Mở lối” cho thị trường bất động sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phần lớn các dự án bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đều phụ thuộc vào ngân hàng. Khi bị “cắt” nguồn cung vốn, ngay lập tức toàn bộ thị trường này bị tê liệt. Thị trường BĐS đang phải trả giá cho sự phụ thuộc này và đang rất cần một cú hích từ nguồn vay tín dụng.

Thực tế, thị trường BĐS TP.HCM đang rơi vào “thảm cảnh” khi chủ đầu tư không còn tiền để triển khai dự án, nhiều công trình đang xây dựng phải tạm thời ngưng lại; trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà thì không đủ khả năng tài chính, nhà đầu tư thứ cấp thì đã “tháo chạy” từ lâu. Các chuyên gia đánh giá, thực tế này đang gây ra sự lãng phí lớn, khi mà những dự án căn hộ cao cấp như The Vista tại quận 2, nhiều dự án tại quận 7 có giá trị đầu tư đến hàng ngàn tỷ đồng đang nằm phơi nắng, phơi sương.

 

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, hai nút thắt chính dẫn đến tình trạng tê liệt thị trường BĐS hiện nay là chính sách thắt chặt tín dụng và mất cân đối cung-cầu. Không như ở các nơi khác, doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng và vốn huy động của khách hàng. Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp BĐS hoạt động không chuyên nghiệp, thiếu năng lực vốn, thiếu nghiên cứu thị trường khi quyết định đầu tư và kể cả khuynh hướng đầu tư “lướt sóng”.
 
 
“Mở lối” cho thị trường bất động sản - Ảnh 1
 
Nhiều dự án BĐS hiện đang bị bỏ hoang vì thiếu vốn.

Bởi vậy, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ tháng 2/2011 để đối phó với nguy cơ lạm phát và bất ổn kinh tế, nguồn tiền không còn tiếp tục rót vào BĐS thì ngay lập tức các doanh nghiệp BĐS rơi vào cảnh lao đao.

Theo một báo cáo mới đây về tình hình BĐS của UBND TP.HCM, tổng nợ cho vay bất động sản tại TP.HCM là 85.000 tỷ đồng, chiếm 58% tổng dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS cả nước. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay là làm cách nào để giải quyết lượng hàng tồn kho và việc này đang thực sự là “nỗi ám ảnh” của nhiều doanh nghiệp.

Tại TP HCM, khối lượng hàng tồn kho BĐS có tổng trị giá khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó có tới 14.490 căn hộ, tổng trị giá hơn 24.000 tỷ đồng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số chính sách mang tính chất trợ giúp các doanh nghiệp BĐS nhưng đối với lĩnh vực này, sự nới lỏng này chưa giúp chủ đầu tư và khách hàng có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.

Bởi, dù rất muốn đẩy mạnh vốn cho vay BĐS, song do BĐS là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao nên nhiều ngân hàng vẫn rất thận trọng trong việc cho vay; đồng thời lãi suất cho vay để đầu tư vào thị trường BĐS cũng khó có thể kỳ vọng về mức thấp hơn hiện nay.

 

Để “giải cứu” thị trường BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét cho các doanh nghiệp được cơ cấu lại các khoản vay cũ đang chịu lãi suất cao, mở tín dụng để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện công trình đang thi công dang dở, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất... Trong 10 điểm đề xuất của Hiệp hội BĐS TP.HCM, đáng chú ý có đề xuất Chính phủ, các bộ nên có giải pháp tổng thể để làm giảm giá BĐS, bởi vì giá BĐS hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đã chỉ ra bảy nguyên nhân khiến giá BĐS bất hợp lý là: chi phí giải phóng mặt bằng cao, nộp tiền sử dụng đất cao, chi phí vốn cao, chi phí xây dựng - nguyên vật liệu cao, thuế và phí cao, doanh nghiệp phải đầu tư toàn bộ hạ tầng, thủ tục hành chính kéo dài.

 

Tại buổi gặp mặt giữa Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng vừa qua, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, một gói tín dụng 15.000 tỉ đồng sẽ được huy động cho các đối tượng chính sách, giáo viên, lực lượng vũ trang... vay mua nhà. Gói tín dụng này của Vietinbank sẽ cho vay với lãi suất dưới 10%/năm. Ngoài ra, đầu tháng 3, Sở Xây dựng TP.HCM cũng sẽ báo cáo với UBND TP.HCM lộ trình triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

 

Nhiều chuyên gia dự báo, trong năm 2013, phân khúc nhà ở, căn hộ có giá phù hợp sẽ “ấm” lên khi thị trường đang đón nhận những tín hiệu tích cực như chủ trương kích thích phát triển thị trường BĐS của Chính phủ, lãi suất giảm, giá BĐS giảm xuống mức hấp dẫn...