Chiều nay 6/9, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (ĐH).
Theo đó, kể từ ngày 23/10/2017, tên ngành đăng ký đào tạo phải có trong danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định.
|
Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân làm thủ tục nhập học |
Trong trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo (ngành mới), cơ sở đào tạo phải làm rõ hai nội dung.
Thứ nhất, luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này. Trong đó có ít nhất 2 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của hai cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo. Thứ hai, thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng. Trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu phải đảm bảo số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ ĐH ngành đăng ký đào tạo. Và, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác đang đào tạo. Trong đó, có ít nhất 1 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.
Đối với ngành mới mà chưa có thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo trong nước, nếu chưa có đủ số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cùng ngành theo quy định thì có thể thay thế bằng thạc sĩ, tiến sĩ ngành gần. Các giảng viên này phải có kinh nghiệm giảng dạy trình độ ĐH ít nhất 5 năm và có ít nhất 2 công trình khoa học thuộc lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo đã công bố trong 5 năm tính đến ngày cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành.
Thông tư cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định cho phép mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo đảm bảo các điều kiện mở ngành theo quy định của thông tư này.
Trong những trường hợp đặc biệt, việc mở ngành để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc trong những lĩnh vực đạc thù, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định.
Thông tư cũng nói rõ, cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh khi xảy ra một trong năm trường hợp. Đó là, không đảm bảo một trong các điều kiện mở ngành; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép tổ chức hoạt động đào tạo; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải đình chỉ tuyển sinh...