Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở ra nhận thức đổi mới, sáng tạo từ những trang sách

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/4, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị tổ chức hoạt động chuyên đề: “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo” với nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa…

Đây là hoạt động nhân Kỷ niệm 10 năm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2014 - 21/4/2024), nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hóa đọc trong cộng đồng, phát huy tinh thần sáng tạo, yêu văn học nghệ thuật của học sinh và Nhân dân trong toàn huyện Đan Phượng. Chương trình có sự tham gia của hơn 500 học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện.

Hoạt động trải nghiệm đọc sách tại chương trình.
Hoạt động trải nghiệm đọc sách tại chương trình.

Khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách

Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên nhấn mạnh, trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, là chiếc chìa khóa mở cửa trí tuệ và tâm hồn con người. Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên phát biểu tại chương trình.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên phát biểu tại chương trình.

Sau đó, để đưa văn hóa đọc được phổ biến rộng rãi hơn, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đó. Sự kiện này vẫn được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm nhằm thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đến nay, “Ngày hội đọc sách” đã lan toả rộng khắp thúc đẩy và tôn vinh những ngành nghề liên quan đến sách báo, tri thức như: thư viện, xuất bản, phát hành... để sách báo trở thành những người bạn thân thiết của mỗi người hơn.

Thời gian qua, ngành văn hóa và ngành giáo dục huyện Đan Phượng đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó, hệ thống thư viện trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây dựng và phát triển rộng khắp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc sách của người dân.

TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) tặng hoa và sách cho chương trình.
TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) tặng hoa và sách cho chương trình.

Đến nay, Đan Phượng có 1 thư viện huyện, 16 tủ sách cơ sở xã, thị trấn, 40 thư viện trường học và 16 thư viện cộng đồng với hàng ngàn bản sách, đầu tài liệu, báo, tạp chí để phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Số lượt người đọc sách tại các thư viện ngày càng tăng qua các năm.

“Hoạt động chuyên đề “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo” với nhiều hình thức như giao lưu với chủ đề văn hóa đọc sách, giới thiệu sách, các hoạt động ngoại khóa… nhằm tạo nên một không khí mới trong văn hóa đọc, khuyến khích các em học sinh khám phá niềm đam mê đọc sách, hướng tới một xã hội học tập” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên nói.

Để đọc sách thành nhu cầu, thói quen

Tại chương trình, TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) đã trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh nhiều câu chuyện, kiến thức hay về đọc sách và văn hóa đọc. Đặc biệt, những câu chuyện kể về tinh thần tự học, tự đọc, niềm say mê với sách của Bác Hồ đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các em học sinh.

Chương trình có sự tham gia của hơn 500 học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Chương trình có sự tham gia của hơn 500 học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Chia sẻ câu chuyện đọc sách của mình, em Trần Thị Phương Ny, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng cho biết, mỗi khi có thời gian rảnh em đều đọc sách, làm bạn với sách. Qua những trang sách, em như được sống trong nhiều cuộc đời, nhiều thời đại và giá trị tâm hồn như được làm giàu hơn.

“Em vừa đọc xong cuốn sách “Chiến binh cầu vồng”. Đây là cuốn sách rất hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh và qua cuốn sách này giúp cho em thêm động lực, sức mạnh quyết tâm học tập để chiến thắng số phận, đạt được ước mơ” - Trần Thị Phương Ny chia sẻ.

Còn với cậu học sinh lớp 11 Nguyễn Tiến Huy, Trường THPT Tân Lập, kinh nghiệm đọc sách mà không chán, không cảm thấy bị gò ép là phải xác định từ đầu mình cần gì, muốn tìm hiểu gì. Từ đó tìm những cuốn sách phù hợp để đọc. Cách làm này vừa gây tò mò, hứng thú vừa duy trì được niềm say mê với cuốn sách.

“Chúng ta không nên đặt nặng đọc một cuốn sách thật nhanh để sớm hoàn thành mà nên tập trung vào ý nghĩa, bài học, thông điệp rút ra được qua những trang sách để giá trị của sách thấm sâu, đọng lại lâu hơn. Đó mới là hiệu quả của đọc sách” - Nguyễn Tiến Huy bày tỏ quan điểm.

Đại diện Xứ Đoài Thi Quán trao đổi kiến thức về sách cho các em học sinh.
Đại diện Xứ Đoài Thi Quán trao đổi kiến thức về sách cho các em học sinh.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia coi trọng việc đọc, việc học. Đọc sách mang đến hiểu biết, sức mạnh, khát vọng cống hiến và thành công cho mỗi người. Tuy nhiên, trong xã hội số hiện nay, làm sao để đọc sách trở thành thói quen không phải dễ dàng. Do đó, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, gieo vào học sinh niềm đam mê với đọc sách, làm bạn với sách mỗi ngày.

Ngoài trò chuyện về văn hóa đọc, giới thiệu sách, hoạt động chuyên đề “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo” còn mang đến không gian trải nghiệm mới mẻ, thú vị như tô tượng, vẽ tranh sỏi, làm đồ thủ công handmade, tặng chữ thư pháp, checkin Fanpage để nhận quà tặng Bookmark, trò chơi thông qua các tập thể trí tuệ cảm xúc…

Qua đó mang lại cho các em học sinh, thầy cô giáo cùng bạn đọc nhiều niềm vui, lan tỏa niềm say mê đọc sách, phương pháp đọc sách, cách chắt lọc vận dụng tinh hoa từ sách vào học tập, công việc, cuộc sống…