Thông tin từ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, chị Nguyễn Thị A. (24 tuổi) nhập viện ở tuần 37 của thai kỳ với tình trạng rau cài răng lược, tiền sử 1 lần mổ đẻ cũ. Dưới sự theo dõi sát sao, chị A. được chỉ định thực hiện mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Trực tiếp thực hiện ca mổ là TS Đỗ Tuấn Đạt – Trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Quá trình phẫu thuật ghi nhận, bánh rau ăn sâu vào mặt trước tử cung và bàng quang, mạch máu ngoằn ngoèo, quá trình cầm máu khó khăn. Kết quả thành công khi một bé gái 2500 gram khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời, sản phụ được bảo tồn tử cung.
Theo bác sĩ, rau cài răng lược xảy ra khi các gai rau bám đến lớp cơ tử cung, hoặc đâm xuyên qua thành tử cung. Bình thường sau khi sinh, bánh rau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được đưa ra ngoài nhưng khi bị rau cài răng lược, bánh rau không thể bong khỏi tử cung.
Và đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu và nguy cơ tổn thương hệ tiết niệu rất cao. Đó là biến cố rất nguy hiểm đối với sản phụ.
Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khuyến cáo, trong thai kỳ, mẹ bầu nên lựa chọn cơ sở sản khoa uy tín để thăm khám và phát hiện sớm hiện tượng rau cài răng lược.
Sau khi được phát hiện, mẹ cần được theo dõi tại cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm về mổ rau cài răng lược, bởi đây là một kỹ thuật khó của sản khoa.