Mở rộng chính sách tài khoá, tiền tệ để phục hồi kinh tế sau dịch Covid -19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Để kinh tế thực sự phục hồi, có thể phải tính đến những giải pháp chưa có tiền lệ, chấp nhận mức bội chi ngân sách cao hơn. Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội nghị Tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 cuối tuần qua.

Áp lực khôi phục sản xuất quý IV/2021

Tăng trưởng GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, kéo GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%. Đây là con số rất thấp, chưa bao giờ xuất hiện từ năm 1990 - khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý đến nay.

Bộ KH&ĐT đã trình 2 phương án kịch bản tăng trưởng quý IV/2021 trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng và mục tiêu cả năm và một số điều kiện đặt ra. Theo đó, trên cơ sở đánh giá ước thực hiện tăng trưởng GDP cả năm đạt khoản 3 đến 3,5%, với kết quả của 9 tháng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 3% cả năm thì quý IV phải đạt 7,06% trở lên. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5% thì GDP quý IV phải đạt 8,84% trở lên.

Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam đã từng có quý đạt tăng trưởng 7%, tuy nhiên quý IV/2021 có nhiều điểm đặc biệt, phụ thuộc rất nhiều vào Đề án thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

 Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết. Ảnh minh hoạ Internet

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách hiện tại, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển giai đoạn tiếp theo. “Việt Nam cần phải xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách phải tổng thể, bao quát, trong đó vừa tác động đến phía cung để giảm chi phí sản xuất, vừa kích cầu để tạo đầu ra cho sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông sản xuất.

Dự kiến, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như: Du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số. Chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể), tài chính (miễn, giảm thuế, phí)…

Mở cửa nền kinh tế đi đôi với loạt chính sách hỗ trợ

Góp ý cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế do Bộ KH&ĐT xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng, giai đoạn tới, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Theo ông Cung, điều kiện hiện nay tốt hơn nhiều so với đợt khủng khoảng 10 năm trước, do hiện nay lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ cao, hệ thống tài chính ổn định… 

Ngoài lãi suất, Chính phủ có thể mở cung tiền, tăng tín dụng, có những gói tín dụng đặc biệt. Ông Cung mong muốn Chính phủ sớm ban hành kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế. Ngoài ra, cần xem xét miễn nhiều sắc thuế, thay chỉ vì hoãn và giãn thuế. Đồng thời, cần nhanh chóng phục hồi, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng. Cùng gói hỗ trợ DN, ông Cung đề xuất các giải pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư, kiên trì tháo bỏ rào cản. 

Đồng tình với quan điểm trên, TS Cần Văn Lực chỉ ra, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Ông Cấn Văn Lực cho biết tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm % (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua. “Có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế”, ông Lực nói. Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ này đi kèm với lộ trình, có sự kiểm soát.

TS Võ Trí Thành cho rằng, chính sách tài khóa cần kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao (6% GDP), tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025).

Nói về động lực tăng trưởng mới, nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ, mỗi địa phương cần tái cấu trúc để phục hồi tăng trưởng. Trong cơ cấu kinh tế mới, DN dân tộc phải là chủ đạo, DN vừa và nhỏ sẽ lên ngôi; thị trường nội địa sẽ là chỗ đứng... "Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kịch bản và triển khai mở cửa nền kinh tế. “Bên cạnh khung khổ hướng dẫn chung của trung ương, chúng ta cũng nên ủng hộ các giải pháp, phương án và kịch bản mở cửa và kích hoạt kinh tế của mỗi địa phương" -  ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ ra tọa độ “phục hồi” đặc biệt của nền kinh tế là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Đây là kênh “tiếp máu” cho nền kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả bậc nhất. Ông Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở cho phục hồi tốt. Đầu tiên, đó là cách chống dịch đi đúng hướng và từng bước được khẳng định; kết quả chống dịch ngày càng khả quan, tạo lòng tin ngày càng vững chắc. Chính phủ đang khởi động lại quá trình mở cửa lại nền kinh tế một cách tích cực nhưng đủ thận trọng. Những yếu tố đó góp phần tạo niềm tin, củng cố động lực để DN tích cực phục hồi mạnh hơn.

Theo kế hoạch, Dự thảo Chương trình sẽ sớm được Bộ KH&ĐT hoàn thiện, trình Chính phủ. Thời gian thực hiện Chương trình dự kiến đến năm 2023, với mục tiêu là tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho DN, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11,4% GDP, Malaysia khoảng 5,3% GDP, thì mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng)

Ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp là cần và Bộ Tài chính phải tính toán để có giải pháp phù hợp đảm bảo cân đối ngân sách cho Chính phủ. Tương tự, về mặt lãi suất, hệ thống ngân hàng cũng xác định rõ giới hạn của cái gọi là “hạ lãi suất” để hỗ trợ doanh nghiệp. Hạ bao nhiêu để không đổ gánh nặng rủi ro lên hệ thống ngân hàng là điều phải tuyệt đối cân nhắc. Phải tính đến việc lập Quỹ Hỗ trợ lãi suất và Quỹ bảo lãnh tín dụng để phối hợp với hệ thống ngân hàng hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này. (PGS.TS Trần Đình Thiên)