Mở rộng chuỗi thịt lợn an toàn

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm mang đến cho người tiêu dùng (NTD) Thủ đô nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, từ đầu năm 2016 tới nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn ATTP.

Kết quả khả quan
Hà Nội là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh và đứng trong tốp đầu cả nước về tổng đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, phần lớn các hộ, trang trại chăn nuôi còn sản xuất tự phát, chưa có liên kết với cơ sở giết mổ và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả còn hạn chế. Trước thực trạng đó, năm 2016, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) triển khai Dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế trên địa bàn TP Hà Nội. Dự án đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho trên 300 hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, người vận chuyển, chủ cửa hàng, bếp ăn tập thể tại các huyện, thị xã về thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và ATTP trong giết mổ, sơ chế, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thịt lợn.

Ký kết hợp tác chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và phân phối thịt lợn sạch, an toàn giữa Trung tâm Phát triển chăn nuôi và các đơn vị đối tác.            Ảnh: Tạ Đang

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đứng ra làm “bà mối” kết nối các đối tác tham gia dự án gồm các cơ sở giết mổ, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để tạo thành các chuỗi hoàn chỉnh. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu phân tích thịt lợn, mẫu nước, thức ăn, nước tiểu... tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn để xác định mức độ đáp ứng ATTP. Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ bảo quản, trưng bày và bán sản phẩm thịt lợn tại cửa hàng đảm bảo đúng quy chuẩn cũng như ATTP.
Với sự vào cuộc tích cực, đến nay, dự án đã xây dựng được 3 mô hình liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn gồm chuỗi thịt lợn Vinh Anh, chuỗi thịt lợn Nam Hà Nội và chuỗi thịt lợn Lebio. Mô hình chuỗi thịt lợn Vinh Anh do Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh tổ chức trên cơ sở liên kết giữa Công ty với Nhà máy thức ăn chăn nuôi De Heus (thuộc công ty đa quốc gia của Hà Lan) và các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho 22 trại chăn nuôi, công suất giết mổ 150 con lợn/ngày, cung cấp cho thị trường từ 12 - 15 tấn thịt lợn/ngày thông qua các cửa hàng tiện ích, siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội. Ông Đào Quang Vinh – Giám đốc Công ty Thực phẩm Vinh Anh chia sẻ, nhờ được "chắp mối" với các trang trại chăn nuôi nên Công ty có đầu vào ổn định và kiểm soát được chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Cùng với chuỗi thịt lợn Vinh Anh, chuỗi thịt lợn Nam Hà Nội cũng đã bắt đầu khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và được NTD biết đến ngày càng nhiều. Đây là chuỗi thịt lợn do Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội tổ chức có quy mô chăn nuôi hiện tại khoảng 3.000 con. Ngoài ra, Công ty còn đang liên kết với một số hệ thống trại vệ tinh với quy mô khoảng 25.000 con, trong đó trên địa bàn Hà Nội, Công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ cho 10 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hiện nay, Công ty giết mổ trung bình 50 con lợn/ngày, cung cấp cho thị trường 4 - 5 tấn thịt lợn/ngày. Về đầu ra, Công ty đang phát triển cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm và đưa vào tiêu thụ tại 50 bếp ăn trường học, 20 siêu thị cùng một số cửa hàng tiện ích.
Với quy mô khiêm tốn hơn, mô hình chuỗi thịt lợn Lebio do Công ty CP Lebio giữ vai trò chính. Công ty đang liên kết cung cấp thức ăn chăn nuôi sinh học, đồng thời tiêu thụ sản phẩm cho 100 trại chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận như Hải Dương, Hà Nam, Nam Định... Hiện nay, Công ty đang hợp tác với cơ sở giết mổ công nghiệp Foodex (huyện Đan Phượng) để giết mổ, sơ chế, đóng gói sản phẩm cung cấp ra thị trường trên 1 tấn thịt lợn/ngày.
Tiếp tục nhân rộng
Cùng với sự phát triển trực tiếp tại các chuỗi, Dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế còn có chuyên gia Hà Lan trực tiếp tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các chuỗi, trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi và nhận thức của người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, NTD về ATTP. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thịt các loại của Hà Nội rất lớn, khoảng 1.000 tấn/ngày, trong khi sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là thực phẩm đảm bảo ATTP. Chính vì vậy, việc tiếp tục mở rộng các mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ thịt lợn an toàn là rất cần thiết.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, giải pháp đầu tiên cần tập trung khắc phục là con giống. Hiện nay, nguyên nhân cơ bản dẫn tới năng suất chăn nuôi thấp là do người chăn nuôi chưa đầu tư bộ giống tốt nhất, chủ yếu vẫn nuôi lợn nái lai. Các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư chưa đầu tư nguồn lực để nhập ngoại giống lợn có năng suất, chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, mà chủ yếu mua giống lợn được lai tạo và sản xuất trong nước. Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi, thời gian tới cần tập trung xây dựng một số cơ sở sản xuất giống lợn theo hình tháp 4 cấp từ cụ kỵ - ông bà - bố mẹ - thương phẩm. Đồng thời khuyến khích các DN chăn nuôi đảm bảo điều kiện nhập khẩu giống lợn cao sản như giống Landrace, Yorshire, Duroc... có năng suất, chất lượng vượt trội.
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp quan trọng nhân rộng các chuỗi thịt lợn an toàn là tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen NTD để sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Trong đó, các DN cũng cần phải tiếp cận ngay công nghệ sản xuất tiên tiến này.
Cùng với các giải pháp trên, để mở rộng chuỗi thịt lợn an toàn, cần phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất lâu dài cho chăn nuôi để chủ trại yên tâm đầu tư cũng như lập dự án thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hiện đang thiếu những DN đầu mối để xác lập nên chuỗi hoàn chỉnh. Do vậy phải bồi dưỡng, thu hút được nhiều DN lớn đầu tư lấp vào khoảng trống hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ thịt lợn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả vùng thành thị và nông thôn. Ngoài ra, phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp NTD có cơ sở khoa học để nhận diện sản phẩm an toàn.