Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng địa giới hành chính: Bổ sung nguồn lực dồi dào phát triển Logistic

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội được bổ sung nguồn lực rất dồi dào về mọi mặt để phát triển Logistic. Đặc biệt, sau khi các tuyến vành đai: 4, 5 hoàn thành, khu vực phía Tây, Tây Nam Thủ đô sẽ trở thành trung tâm logistic của cả Vùng Thủ đô.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho logistic phát triển mạnh
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho logistic phát triển mạnh

Quỹ đất lớn, giá rẻ

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định, cùng với sự phát triển của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa, giá cả… sẽ ngày càng thu hẹp.

Các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu phải chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm thiểu chi phí của quá trình lưu chuyển hàng trong hệ thống quản lý phân phối.

Vì vậy, logistics đã được chuyên môn hóa và phát triển trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối của nền kinh tế.

Hà Nội có vị trí đắc địa, nằm giữa khu vực giao thương của vùng biển Đông Bắc, vùng núi phía Bắc; là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước khu vực và thế giới. hiện thành phố đã có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, thu hút trên 600 dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang xây dựng, phát triển 89 cụm công nghiệp, phân bố đều khắp trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức...

Các khu, cụm công nghiệp là nơi tập trung cơ sở sản xuất, kinh doanh của khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ logistics; là nơi tạo nên luồng hàng hóa quy mô lớn phục vụ xuất khẩu nên đã được bố trí tại các cửa ngõ TP, thuận tiện cho giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Không chỉ công nghiệp, Hà Nội còn phát triển nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tất cả lĩnh vực này đều cần đến logistic như một bệ phóng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Mặt khác, trong quy hoạch mới, Hà Nội được định hướng tập trung vào các ngành công nghệ cao bao gồm công nghệ thông tin, phần mềm, trung tâm dữ liệu, tự động hóa...

Lĩnh vực kho bãi cũng là một lợi thế của Thủ đô khi mà nhiều huyện thuộc phần địa giới mở rộng như: Thanh Trì, Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất… còn quỹ đất lớn, giá rẻ.

Hơn nữa, các huyện phía Tây, Tây Nam thành phố còn có nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào. Nếu được đào tạo bài bản, đây sẽ là nguồn lực thứ hai rất quan trọng để phát triển lĩnh vực logistic cho Thủ đô.

Nhận thấy tiềm năng rất lớn xây dựng mạng lưới dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, Hà Nội đã lên kịch bản thúc đẩy mô hình dịch vụ thương mại này. Nhưng để có hệ thống logistic ưu việt, trước tiên thành phố phải có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đa dạng.

Giao thông đi trước mở đường

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ có hai trung tâm logistics lớn. Tại cửa ngõ phía Bắc dự kiến hình thành Trung tâm logistics hạng I quy mô 50ha để kết nối, trung chuyển hàng hóa đi các khu vực khác (bằng đường không, đường bộ).

Tại cửa ngõ phía Nam dự kiến hình thành Trung tâm logistics hạng II quy mô 22ha để hỗ trợ lưu thông hàng hóa cho các khu, cụm công nghiệp phía Nam Hà Nội.

Vành đai: 4, 5 sẽ đánh thức tiềm năng logistic tại khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội
Vành đai: 4, 5 sẽ đánh thức tiềm năng logistic tại khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội

Hà Nội hiện có khoảng 3.974km đường bộ; 90km đường sắt với 5 ga chính: Hàng Cỏ, Giáp Bát, Văn Điển, Gia Lâm và Yên Viên. TP còn có hệ thống sông với các sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đà, Sông Đáy, sông Tích...; các tuyến sông do T.Ư quản lý dài 188km.

TP cũng có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ, gồm Khuyến Lương, Thanh Trì, Chèm, Phù Đổng, Đức Giang…; 17 bến thủy nội địa, 58 bến khách ngang sông.

Ngoài ra, Hà Nội còn có cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài đang trong quá trình mở rộng quy mô. Chuyên gia giao thông đô thị, TS Đặng Minh Tân cho rằng: “Đây là “vốn liếng” chính để Hà Nội tạo dựng mạng lưới logistics phát triển. Tuy nhiên, việc kết nối vận tải đa phương thức giữa các loại hình vận tải vẫn chưa hiệu quả. Nói cách khác, mạng lưới logistics của TP vẫn còn rời rạc, chưa định hình cụ thể”.

Chính vì vậy, những năm qua thành phố đã tập trung nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng giao thông. Các tuyến đường vành đai quan trọng kết nối Hà Nội với Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như cả nước đã được đầu tư mạnh mẽ.

Trong đo Vành đai 4 đang bắt tay vào xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027. Khi hoàn thành đây sẽ là tuyến huyết mạch để trung chuyển hàng hóa, cơ sở để hình thành chuỗi kho vận, logistic chính tại các cửa ngõ Thủ đô.

Thành phố cũng dự định sẽ khởi công Vành đai 5 vào năm 2025. Vành đai 5 được quy hoạch đi qua địa giới 8 tỉnh, thành: Hà Nội; Hòa Bình; Hà Nam; Thái Bình; Hải Dương; Bắc Giang; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc.

Đoạn qua Thủ đô dài khoảng 48km, nằm trên địa bàn: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Lộ trình từ cầu Vĩnh Thịnh - đường Hồ Chí Minh - cao tốc Hòa Lạc - huyện Thạch Thất - đi về phía Nam sang địa phận tỉnh Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Một khi có Vành đai 5, toàn bộ khu vực phía Tây, Tây Nam thành phố với quỹ đất lớn, nguồn nhân lực dồi dào sẽ nhanh chóng trở thành khu vực phát triển mạnh về logistic của cả Vùng Thủ đô.