Vì sao phải mở rộng địa giới hành chính?
Muốn đưa ra quyết định có nên mở rộng địa giới Hà Nội hay không, trước hết phải trả lời câu hỏi: Mục đích việc xem xét mở rộng địa giới Hà Nội là gì? Theo tôi, có một vài mục đích thường được đưa ra xem xét, gồm: Tăng sức mạnh kinh tế; Có đủ đất hoàn thiện các chức năng còn yếu hoặc chưa có (vành đai xanh, các khu giãn dân, khu đô thị sinh thái, khu công nghệ cao, khu xử lý chất thải môi trường...); Xây dựng thủ đô hoành tráng, sánh vai với 5 châu; Cạnh tranh thành công với các đô thị tương tự trong khu vực...
Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là cạnh tranh thành công với các đô thị tương tự trong khu vực, mà nếu cạnh tranh không thành công nghĩa là Hà Nội sẽ thất bại ở vai trò một đô thị và sẽ bị mai một hoặc phụ thuộc (vào các khoản tài chính từ T.Ư chẳng hạn), khi chúng ta đang bước vào một thế giới toàn cầu hóa những đô thị cạnh tranh trực tiếp. Trước đây đơn vị cạnh tranh là những nền kinh tế hay nói cách khác là quốc gia, nay đơn vị cạnh tranh là các đô thị.
Khác với nhiều đô thị khác trong khu vực và thế giới, Hà Nội của chúng ta là TP được hình thành qua hàng nghìn năm và có tất cả chức năng khác ngoài việc là trung tâm chính trị – văn hóa. Nếu ngăn Hà Nội trở thành một TP đầy đủ chức năng, bắt nó phải “độc canh”, phải chăng là “gọt chân cho vừa giày”?
Mặt khác, Hà Nội cần mở rộng, nhưng cần tránh hình thức phát triển kiểu desakota (phố làng lẫn lộn) hay sprawl (xây cất tràn lan vô tổ chức). Không phải cứ đô thị lớn là quản lý kém và đô thị nhỏ thì quản lý tốt. Quản lý tốt thường có mặt ở các đô thị thành công (có sức cạnh tranh cao, thu nhập cao tương ứng) với chính quyền địa phương có trình độ quản lý thích hợp, những ví dụ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Như vậy, Hà Nội nên mở rộng địa giới để tăng sức cạnh tranh quốc tế như một đô thị và đất đai mở rộng để làm tất cả những gì phục vụ mục đích này, muốn cạnh tranh thành công thì buộc phải mở rộng địa giới hành chính.
“Làm giàu” sự đa dạng văn hóa
Theo cá nhân tôi và hầu hết chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm rằng Hà Nội của tương lai không chỉ là một đô thị - thủ đô có sức cạnh tranh. Ngoài chức năng trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, đối ngoại còn phải là một trung tâm văn hóa lớn. Việc mở rộng địa giới Hà Nội, kéo theo sự chung sống không tránh khỏi của các truyền thống văn hóa mang bản sắc địa phương khác nhau. Vậy, nó có dẫn tới sự đơn điệu hóa, nghèo nàn hóa đời sống tinh thần người dân Thủ đô tương lai? Lịch sử các đô thị - thủ đô cho ta những bài học gì liên quan đến mối quan tâm này?
Có thể trả lời ngay được, Hà Nội mở rộng sẽ làm giàu thêm cho chính mình bằng sự đa dạng văn hóa của các địa phương, bởi mỗi nền văn hóa đều có thời cực thịnh mà tác động của nó xác định vị trí các dân tộc trong lịch sử thế giới một cách bền vững hơn cả sức mạnh kinh tế và quân sự. Không phải ngẫu nhiên, “thời hoàng kim” được công nhận của các nền văn hóa trên thế giới đều xảy ra tại đô thị - thủ đô. Ở châu Âu, theo trình tự lịch sử, Athens (500 – 400 trước CN), Florence (1400 – 1500), London (1570 – 1620), Vienna (1780 – 1910), Paris (1870 – 1910), Berlin (1918 – 1933) là ví dụ nổi trội. Gần chúng ta hơn có Bắc Kinh, Kyoto hay chính Thăng Long/Hà Nội đều đã có những thời huy hoàng góp phần đưa những đô thị này đến vị trí cao vào thời điểm nhất định.
Như vậy, tiềm lực văn hóa không thể xuất hiện khi thiếu một nền kinh tế cạnh tranh thành công và việc hội tụ nhiều bản sắc văn hóa khác nhau đã giúp các đô thị - thủ đô nâng cao tầm vóc đời sống tinh thần của mình, cống hiến những tác giả, tác phẩm thiên tài cho nhân loại. Quan điểm về đô thị hiện đại cho rằng sự tiếp xúc mặt đối mặt (face-to-face contact) giúp tạo ra ý tưởng sáng tạo, là yếu tố căn bản tạo nên sức sống đô thị. Nếu tính sáng tạo là một trong những yếu tố mạnh mẽ nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong thế giới ngày nay, thì cuộc đối thoại giữa các truyền thống văn hóa là mảnh đất màu mỡ để tính sáng tạo đạt đến đỉnh cao.
Dễ hiểu rằng, nếu những cuộc tiếp xúc này chỉ diễn ra trong một nhóm nhỏ cố định thì hiệu quả sẽ không được như mong đợi. Mở rộng địa giới Hà Nội sẽ mang lại khả năng tiếp xúc mặt đối mặt không những chỉ giữa các cá nhân sáng tạo mà còn giữa các truyền thống văn hóa của nhiều vùng lân cận, cũng như những TP trong khu vực và trên thế giới. Một điều tưởng như nghịch lý nhưng các giá trị văn hóa đặc thù, càng được đưa ra thể nghiệm và thưởng thức rộng rãi thì càng có cơ hội bảo tồn, phát triển lâu dài và bền vững hơn, chứ không phải mai một đi.
Bản sắc văn hóa cần được bảo tồn bao gồm các yếu tố vật thể và phi vật thể. Đối với yếu tố phi vật thể, trách nhiệm chính của việc bảo tồn, phát huy đặt lên vai ngành văn hóa và các nghệ sĩ/nghệ nhân. Đối với yếu tố vật thể, các nhà quy hoạch có thể tạo ra nhiều giá trị, nhưng cũng có thể hủy hoại/tầm thường hóa nhiều giá trị khác. Một bảo tàng Hà Nội với công nghệ trình bày hiện đại nhất có thể giúp ta trở lại, cùng đầy đủ cảm quan với thời sơ khai nhất của Thăng Long - Hà Nội, nhưng có thể có những con đường bê tông nhựa ở Thủ đô lại trùm lên các di chỉ khảo cổ mà ta chưa biết rõ hôm nay.
Trung tâm chính trị - hành chính đa chức năng
Chưa có bằng chứng một đô thị - thủ đô nào, trong điều kiện bình thường lại đang từ một đô thị đa chức năng thành công mà đi từ bỏ các năng lực về cạnh tranh kinh tế để trở thành chỉ là một trung tâm chính trị - hành chính đơn thuần. Tại sao? Theo tôi, đơn giản là vì việc ấn định một TP nào đó làm thủ đô thì dễ hơn rất nhiều so với việc xây dựng một đô thị đa chức năng thành công. Nói cách khác, một đô thị thành công, tức là có khả năng cạnh tranh kinh tế cao, có thể đồng thời là một thủ đô thành công, nhưng một TPchỉ có chức năng chính trị - hành chính thì không chắc có thể cạnh tranh.
Sự thành công của một đô thị, cũng như một con người, không bao giờ là ngẫu nhiên. Chúng ta đã đồng thuận cao khi chuyển sang kinh tế thị trường, và tôi xin phép mượn ý của một nhà bình luận mà nói rằng, kinh tế thị trường như một cái xe đạp, đi càng nhanh thì càng ổn định, còn dừng lại thì gần như chắc chắn sẽ đổ. Đương nhiên, nhanh đến mức nào lại là chuyện khác.
Hà Nội, ngay từ lúc mới thành lập, đã là một TP đa chức năng có thể nói là thành công (nếu không nó đã phải mai một!). Ban đầu hệ thống giao thông đường thuỷ thuận tiện dựa vào sông Hồng đã làm cho thương mại – giao dịch phát triển. Vị trí thủ đô khiến cho các ngành dịch vụ và thủ công truyền thống đóng một vai trò quan trọng. Kết quả của công cuộc công nghiệp hoá từ năm 1954 đã đưa Hà Nội từ một TP tiêu thụ thành một TP sản xuất.
Hiện nay Hà Nội là một đầu mối kinh tế - giao dịch, văn hóa, khoa học công nghệ và giao thông quan trọng nhất nước. Những chức năng khác như giáo dục - đào tạo chẳng hạn, Hà Nội chiếm trên 60% cơ sở giáo dục đại học cả nước, đây chính là tiền đề phát triển kinh tế tri thức. Thủ đô đa chức năng, có sức cạnh tranh cao là xu thế phát triển tất yếu, khách quan.
Như ta thấy, logic của sự tiến hoá hay nói cách khác là động học của quá trình phát triển các TP - thủ đô, bao giờ cũng hướng về việc trở thành đô thị cạnh tranh về mặt kinh tế, tất nhiên vị thế của 1 thủ đô hỗ trợ một cách vô cùng hiệu quả. Nếu chức năng chính trị - hành chính bị cản trở thì người ta không tìm cách hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của đô thị, mà cân nhắc tách riêng chức năng này ra thành các trung tâm bên cạnh, nhưng điều này chỉ nên làm trong điều kiện bất khả kháng (và cần phải có hoạch định trước về mặt đất đai và các kịch bản có thể). Nói một cách đơn giản, một trung tâm chính trị - hành chính tách biệt có thể bị chế ngự hoặc vô hiệu hóa dễ hơn so với một đô thị đa năng, theo quan điểm phòng thủ hiện đại.
Quan sát hướng chuyển động cơ cấu kinh tế của Hà Nội cũng như của các dòng vốn FDI có liên quan đến công nghệ cao và các cơ sở nghiên cứu triển khai (R&D) tại Hà Nội và các khu vực lân cận (Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), căn cứ vào tài nguyên con nguời sẵn có, ta thấy rằng mục tiêu hướng Hà Nội đến mô hình một đô thị - thủ đô của tri thức và tiện nghi là hoàn toàn hiện thực. Mục tiêu này, với các đặc trưng sử dụng không gian của nó trong tương lai nhìn thấy được, không mâu thuẫn gì với các chức năng chính trị - hành chính của Hà Nội.
Ngược lại, các chức năng chính trị - hành chính, hay nói cách khác là vị thế thủ đô của Hà Nội, sẽ góp phần làm cho mô hình này được bổ sung thêm những chức năng mới, phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời có sức cạnh tranh lớn hơn. Vì vậy, có thể khẳng định việc mở rộng địa giới đã thực sự làm nâng tầm cho Thủ đô Hà Nội.