Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa...

Kinhtedothi - Ngày 23/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó hầu hết các ý kiến đều bày tỏ tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi người lao động (NLĐ).

Hợp đồng dưới 3 tháng cũng phải tham gia

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu, với đối tượng NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ một tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc. "Việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ khi không còn khả năng lao động" - Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh.
 
Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp.      Ảnh: Duy Linh
Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Duy Linh
Để tránh hiện tượng các DN trốn đóng BHXH cho NLĐ bằng các hợp đồng mùa vụ, dưới 3 tháng, các ĐB Quốc hội đề nghị phải luật hóa việc xác lập hợp đồng bằng văn bản khi thuê lao động có thời hạn dưới 3 tháng, mùa vụ. Bởi quy định hiện hành cho phép DN nếu thuê NLĐ có thời hạn dưới 3 tháng thì không cần ký hợp đồng văn bản và cũng không phải đóng BHXH. Điều này vô tình tạo điều kiện để nhiều DN trốn đóng BHXH cho NLĐ bằng cách chỉ xác lập giao kèo thuê trong ngắn hạn. Các ĐB Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi), Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, các DN bắt buộc phải xác lập hợp đồng bằng văn bản khi thuê lao động có thời hạn dưới 3 tháng, mùa vụ. Đồng thời, cần đảm bảo sau 1 - 3 tháng, nếu DN tiếp tục ký hợp đồng với NLĐ thì phải tham gia đóng BHXH, như vậy mới đảm bảo nguyên tắc BHXH cho mọi NLĐ. 
Tại phiên làm việc buổi sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các Ủy ban chức năng của Quốc hội trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người

Một nội dung cũng được các ĐB quan tâm cho ý kiến và thống nhất cao với Dự thảo là quy định việc đóng bảo hiểm bắt buộc cho các cán bộ không chuyên trách của xã, phường, thị trấn nhưng nhiều ĐB đề nghị nên nới rộng hơn trong việc hỗ trợ các đối tượng này đóng BHXH.

ĐB Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng, dự thảo quy định Nhà nước chỉ hỗ trợ không quá 10% tiền đóng BHXH cho các đối tượng này là quá ít. Việc tăng mức hỗ trợ lên nữa, dù ngân sách có thể phải chỉ thêm vài trăm tỷ đồng/năm, nhưng phúc lợi mang lại sẽ rất lớn với những cán bộ gần gũi với người dân nhất. Nhất trí với ý kiến này, ĐB Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) dẫn chứng con số, hiện nay có 23/63 tỉnh, thành dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ đóng BHXH cho cán bộ không chuyên trách, mức hỗ trợ cao nhất lên tới 50%. Thế nhưng, trong Dự thảo Luật lần này chỉ quy định mức hỗ trợ tối đa với đối tượng trên là 10%. "Như vậy, Luật chưa ra đã lạc hậu so với thực tế. Luật chỉ nên quy định mức hỗ trợ tối thiểu, còn nếu địa phương có nguồn hỗ trợ thêm cho đối tượng này thì nên khuyến khích" - ĐB Trần Văn Tấn nói.

Cân nhắc cách tính lương hưu mới

Góp ý về cách tính lương hưu mới, các ĐB Quốc hội cơ bản nhất trí với nguyên tắc đóng - hưởng nhưng cho rằng, với quy định mới về cách tính lương hưu, những sinh viên đại học ngành y, những sinh viên mới ra trường chưa xin được việc làm ngay chắc chắn sẽ không được hưởng mức tối đa 75% vì không đủ thời gian công tác theo quy định. Nhiều ĐB cho rằng, cách tính này đã làm giảm lương đáng kể, mất đi tính công bằng giữa người nghỉ hưu trước và sau năm 2018 và NLĐ khó đạt mức lương hưu tối đa 75% khi nam phải đủ 35 năm, nữ đủ 30 năm đóng BHXH... 

Theo ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (đoàn Hà Nội), Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên), việc thay đổi cách tính lương hưu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả lao động nam và nữ, giữa người nghỉ hưu trước và sau năm 2018… Tuy nhiên, nếu việc thay đổi là cần thiết thì cách thực hiện theo lộ trình là phù hợp, tránh sự sụt giảm đột ngột và cố gắng không tạo sự chênh lệch quá lớn giữa các nhóm đối tượng được hưởng. 

 
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp về việc cân nhắc quy định hình thức ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vì tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Phải có phương án để tăng trưởng Quỹ, đầu tư sao cho hiệu quả. Muốn vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, ngay trong bộ máy của BHXH cũng cần tinh gọn hơn, đẩy mạnh cải cách hành chính để tiết giảm chi phí.