Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT: Chọn đúng người xứng đáng danh hiệu

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Bộ VHTT&DL đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhiều quy định mới, trong đó có mở rộng đối tượng xét danh hiệu. PV báo KT&ĐT đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội về vấn đề này.

Bộ VHTT&DL đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bổ sung đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” bên cạnh “nghệ sĩ biểu diễn”. Xin ông cho biết quan điểm về việc mở rộng đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT? 

Mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT: Chọn đúng người xứng đáng danh hiệu - Ảnh 1
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội. Ảnh: TQ

Quốc hội vừa ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hiện nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng đối tượng NSND, NSƯT để chúng ta bao quát, đánh giá hết đóng góp của các nghệ sĩ đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong phong trào thi đua, khen thưởng, phù hợp với bối cảnh phát triển văn hóa, nghệ thuật trong tình hình mới, từ đó động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành động lực lớn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trong mặt trận văn hóa, nghệ thuật, giúp chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tinh thần từ văn hóa, nghệ thuật.

Thưa ông, hiện nay, 6/9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành T.Ư không đề xuất nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật”. Trước thực tế đó, ông có những đánh giá thế nào?

Tôi hiểu các lý do khi 6/9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành không đề xuất xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đây là những danh hiệu vô cùng cao quý dành tặng cho các nghệ sĩ có đóng góp quan trọng cho dòng nghệ thuật chủ đạo, từ đó định hướng cho các nghệ sĩ trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, là người làm việc lâu trong ngành văn hóa, lắng nghe nhiều những trăn trở của các nghệ sĩ, tôi thấy họ rất rõ ràng trong việc đánh giá thành tích trong nghệ thuật, ở đó, nếu đánh giá tài năng qua nghệ thuật biểu diễn thì sẽ dành cho NSND, NSƯT. Trong khi đó, đánh giá tài năng qua tác phẩm sẽ dành cho giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng (nay là Chủ tịch nước) trao danh hiệu NSƯT cho các đại biểu trong dịp xét tặng lần thứ IX. Ảnh: Công Hùng
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng (nay là Chủ tịch nước) trao danh hiệu NSƯT cho các đại biểu trong dịp xét tặng lần thứ IX. Ảnh: Công Hùng

Khi mọi người cùng thống nhất tài năng qua các hạng mục khen thưởng nào, điều đó sẽ dễ đánh giá, dễ nhận được sự thừa nhận của đồng nghiệp nhiều hơn. Như vậy, các nghệ sĩ biểu diễn như diễn viên, ca sĩ... sẽ hướng tới danh hiệu NSND, NSƯT, còn các nhà văn, nhà điêu khắc... sẽ hướng đến giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Điều này phù hợp với Điều 6. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng trong Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là: “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”. Nếu không có sự rõ ràng đó, công tác thi đua khen thưởng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông, cần có những giải pháp nào để việc xét tặng danh hiệu NSND, NSUT không bỏ sót những tài năng. Hay như một số bình luận rằng “không nên để đến một ngày, danh hiệu cao quý như NSND, NSƯT lại bị đánh đồng với "loạn hoa hậu"?

Chúng ta cần hiểu rõ hơn về bản chất của các danh hiệu Nhà nước chính là cách chúng ta tôn vinh đóng góp của văn nghệ sĩ đối với văn hóa, nghệ thuật của đất nước nói riêng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung.

Trong dòng chảy của nghệ thuật, có nhiều xu hướng sáng tác, loại hình nghệ thuật khác nhau. Đảng và Nhà nước ta khuyến khích văn nghệ sĩ có đóng góp nhiều hơn đối với dòng văn học, nghệ thuật chủ đạo, để từ đó lan tỏa những giá trị quan trọng của đất nước mà chúng ta đề cao. Đó là lý do chúng ta thấy, chúng ta đánh giá không chỉ chất lượng của các tác phẩm, tài năng của nghệ sĩ, mà còn cả đạo đức và đóng góp của họ đối với xã hội. Từ việc tôn vinh này, chúng ta định hướng sáng tác trong xã hội, tạo điều kiện để tài năng nghệ sĩ và tác phẩm của họ trở thành những tấm gương, dẫn dắt thị hiếu và đạo đức cho mỗi cá nhân công chúng và toàn xã hội. Đó cũng là lý do tại sao, chúng ta luôn muốn đánh giá khắt khe hơn đối với các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ đã được tặng thưởng các danh hiệu Nhà nước.

Tuy nhiên, đúng là chúng ta đang thấy có những lo lắng nhất định khi có những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nhưng không để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng, kể cả những người làm nghề.

Nếu như những NSND, NSUT ở những đợt đầu đều là những cây đa, cây đề, có những tác phẩm còn mãi với thời gian thì một số NSND, NSƯT gần đây để lại những băn khoăn trong dư luận. Vì thế, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng giải thưởng để lựa chọn ra đúng người ưu tú, xứng đáng với danh hiệu cao quý.

Điều quan trọng là chúng ta đã thông qua được Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) làm cơ sở để có khung pháp lý nâng cao chất lượng các giải thưởng. Chúng ta cần tạo điều kiện, môi trường tốt để các nghệ sĩ có thể thi thố tài năng, tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh thông qua những chế độ, chính sách về lương, phụ cấp, tổ chức các sự kiện, cuộc thi nghệ thuật quốc gia và quốc tế; tăng cường hơn nữa vai trò của các hội nghệ thuật chuyên ngành trong việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Trên cơ sở đó, chúng ta tìm được ra niều nhân tài hơn trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bảo đảm chất lượng cho các danh hiệu Nhà nước trong lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm của xã hội này.

Xin cảm ơn ông!