Trò chuyện với chúng tôi, một cựu chiến binh xã Hữu Bằng cho biết, trước đây, xã có tới 23ha ao, hồ, đầm. Nhưng kể từ những năm 1990, do nhu cầu nhà ở và xưởng sản xuất mạnh ai nấy làm nên đến nay, toàn bộ diện tích ao, hồ, đầm của xã Hữu Bằng đã hoàn toàn "biến mất". Thay vào đó là nhà ở, xưởng sản xuất... sau khi san lấp hết ao, hồ, đầm, người dân Hữu Bằng bắt đầu xây dựng sang đất nông nghiệp. Nhà, xưởng đua nhau mọc lên, cả chục héc-ta đất nông nghiệp, chỉ sau mấy năm đã biến thành một cụm sản xuất công nghiệp lậu.
Đi từ phía xã Hương Ngải về, toàn bộ cánh đồng giáp trụ sở UBND xã Hữu Bằng đã biến thành nhà xưởng, nhà nọ gối đầu nhà kia. Xa hơn một chút, những thửa ruộng tiếp giáp với mương máng, điểm thu gom rác, nghĩa địa, chỗ nào “hở” ra là có nhà xưởng chen vào, mọc lên. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Phan Văn Tuấn cho biết, câu chuyện vi phạm đất đai đã âm thầm diễn ra tại Hữu Bằng từ những năm 1990 - 1991. Nhưng vi phạm rầm rộ nhất là trong khoảng thời gian 2007 - 2008 và đến nay trên địa bàn xã có 500 hộ xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Hộ nhỏ thì dăm chục mét vuông, có hộ lên tới 500m2.Hàng năm, tổ công tác của huyện (gồm ngành TN&MT, Thanh tra Xây dựng, Công an) vẫn thường xuyên giám sát, lập biên bản và xử phạt các trường hợp vi phạm. “Người dân nhận thức rất rõ hành vi vi phạm của mình, khi lực lượng chức năng xuống lập biên bản, họ chấp hành nghiêm túc, nhưng vừa rút quân thì tiếp tục vi phạm” - ông Tuấn cho biết thêm.Thực tế, Hữu Bằng tuy là địa bàn nông thôn nhưng đất quá chật và người quá đông. Hữu Bằng có khoảng hơn 19.117 nhân khẩu, trên tổng diện tích 178,4ha nhưng hàng ngày có khoảng 7.000 lao động nơi khác đến làm việc. Vào giờ tan tầm, tắc đường ở Hữu Bằng thường xuyên xảy ra bởi lượng người, xe hàng hóa ra vào tấp nập. Trong nhà, ngoài ngõ, đường làng, góc xóm, chỗ nào cũng san sát nhà xưởng, đồ mộc chất cao như núi… "Giờ đây, người dân xã tôi chẳng mấy ai màng đến làm ruộng, bởi không mở xưởng sản xuất, cửa hiệu kinh doanh thì đi làm thuê cũng bằng mấy làm ruộng"- một cán bộ Hội Nông dân xã Hữu Bằng nói.Cũng theo ông Phan Văn Tuấn, huyện Thạch Thất đã lập và đề nghị TP phê duyệt 2 dự án. Một là khu trung tâm xã với diện tích 26,8ha, bao gồm khu đất đấu giá, đất trường học, trụ sở, công viên cây xanh, khu giới thiệu sản phẩm làng nghề. Hai là khu cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 30ha. Đã từ lâu, Hữu Bằng không được chia đất giãn dân, trong khi đó nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nơi sinh hoạt của người dân rất cao. Hiện ô nhiễm môi trường và PCCC đang là 2 vấn đề quan trọng mà chính quyền địa phương đang phải tìm phương án phải giải quyết.
Năm 2017, chính quyền địa phương đã giải tỏa 17 trường hợp và phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng/1 trường hợp. Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành chức năng đã lập biên bản, xây dựng kế hoạch và sẽ cưỡng chế 15 trường hợp vi phạm. |