Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng khung giờ làm thêm: Tăng bao nhiêu là hợp lý?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Ban soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt lên 400 giờ so với quy định hiện nay 300 giờ. Tuy nhiên, lại có những ý kiến đề xuất tăng lên thành 450 giờ, thậm chí 500 giờ/năm để giải quyết đơn hàng theo mùa vụ.

 Tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với tiền lương làm thêm được tính theo lũy tiến. Ảnh: Hải Linh
Khó khăn lắm mới phải làm thêm

Ban soạn thảo Bộ luật Lao động đề xuất mức làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ/năm đã xét trên tổng hoàn các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu DN, mong muốn và sức khỏe của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe của NLĐ và có thể gây ra thiếu việc làm do DN không muốn tuyển mới. Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, dự thảo quy định cụ thể các biện pháp. Theo đó, trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với NLĐ. Chỉ khi NLĐ đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Số giờ làm thêm trong một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường và NLĐ làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Tiền lương làm thêm giờ ngày thường phải bằng 150% tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, tương tự 200% vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết.
Việc tăng lũy tiến tiền làm thêm giờ lên bao nhiêu cần có sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. NLĐ muốn tăng vô cực song chủ sử dụng lại muốn kìm chế giảm đến mức tối thiểu. Giữa giảm và tăng phải đảm bảo lợi ích cho NLĐ và chủ sử dụng lao động. Nếu không sẽ bị phá vỡ dây chuyền sản xuất, lợi bất cập hại dẫn đến thiếu việc làm, thất nghiệp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay năng suất lao động (NSLĐ) của chúng ta rất thấp. Cùng với việc đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ, trong giai đoạn trước mắt điều chỉnh tăng thêm thời gian làm việc để tăng NSLĐ. “Không phải bất cứ ngành nghề nào đều tăng thời gian làm việc, như vậy là trái nguyên tắc. Chỉ những ngành nghề có tính chất thời vụ, hàng xuất khẩu, liên quan đến chất lượng sản phẩm như dệt may, thủy sản. Nhưng các ngành này không phải làm thêm giờ trong cả năm mà chỉ thời vụ” – ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý.

PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cho rằng, tăng ca nhiều không đồng nghĩa với tăng NSLĐ và hiệu quả làm việc mà có thể là cuộc chạy đua xuống đáy. Thực tế, không NLĐ nào muốn tăng ca mà do cuộc sống thúc ép. “Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát công nhân với 7.200 phiếu ở miền Bắc, Trung, Nam. Phần lớn NLĐ có mức lương bình quân 4.260.000 đồng/tháng nhưng phải trang trải cuộc sống, thuê nhà, nuôi con, gửi tiền về quê... Vì thế, phần lớn những NLĐ được khảo sát đều cho biết phải làm thêm, nhất là dịp cuối năm. Với đề xuất mức 400 giờ làm thêm như dự thảo Bộ luật Lao động đưa ra đang ở ngưỡng cao rồi” – ông Thọ giải thích.

Đừng bòn rút sức khỏe người lao động

Đề xuất tăng thời gian làm việc từ 300 giờ lên 400 giờ mỗi năm được nhiều DN đồng tình. Bởi nhiều năm nay, không ít DN lớn gặp khó khăn trong việc huy động NLĐ làm thêm đã có đề nghị gửi Bộ LĐTB&XH cho phép tăng giờ làm thêm. Vì thế, dự thảo Bộ luật Lao động có sự điều chỉnh về giờ làm thêm là tín hiệu tích cực đối với cộng đồng DN. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, các nước tương tự hoặc có bước phát triển xa hơn Việt Nam một chút đều có khung giờ làm thêm rộng hơn. Về góc độ DN, không chỉ có yếu tố đặc thù ngành hàng mà còn liên quan đến chuỗi sản xuất.
Tăng giờ làm thêm lên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. NLĐ muốn tăng ca nhưng không muốn làm thêm ở mức nhiều quá như đề xuất 400 giờ/năm. Có nghĩa mức hiện tại bây giờ tối đa 300 giờ mỗi năm, tôi nghĩ là phù hợp. Còn tăng giờ làm thêm lên nữa thì NLĐ sẽ rất vất vả, làm việc căng thẳng quá dẫn đến dễ bị sai sót. Điều quan trọng là phải cải tiến dây chuyên để nâng cao NSLĐ và tăng thu nhập cho công nhân viên chứ không phải tăng làm thêm nhiều quá.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội Nguyễn Đức Nhân
Ví dụ, các DN thủy sản, hoạt động liên quan đến chuỗi khai thác biển cũng như theo con trăng, con nước, mùa vụ. Khi một ngành hàng phụ thuộc cả chuỗi như thế, có khi vài tháng cao điểm cần NLĐ làm thêm giờ để tôm cá được bảo quản giữ tươi. Nếu không hàng bị ươn hỏng, đó là chưa kể khi ký đơn hàng với quốc tế cũng phải thực hiện theo quy định của họ. Vì thế, theo ông Nam, khi nới rộng 100 giờ làm thêm so với hiện tại sẽ tạo ra sự linh hoạt, nhưng VASEP đề xuất khung giờ làm thêm lên 500 để phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May đồng ý bỏ quy định làm thêm giờ theo tháng – đây là mấu chốt vướng mắc của DN. Đồng thời đề nghị tăng lên 50% số giờ làm thêm trong năm, so với hiện nay, tức là 450 giờ.

Tuy đồng tình tăng giờ làm thêm nhưng một vấn đề được các chủ DN đặt ra: Tiền lương làm thêm được tính theo lũy tiến sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí đánh sập DN. Về vấn đề này, ông Vũ Quang Thọ phản hồi: Chủ DN cần thấu hiểu nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các nguồn lực vì thế cần có chính sách đãi ngộ đối với NLĐ, trong đó có thời giờ làm thêm. Khi chủ DN đã huy động NLĐ làm thêm thì phải trả theo đúng đơn giá mà Bộ LĐTB&XH đã quy định. “Thật sự, hiện nay nhiều chủ DN bòn rút sức làm việc của NLĐ mà không trả thêm tiền lương lũy tiến cho NLĐ” – ông Thọ nhận định.

Trước những ý kiến của hai bên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, vấn đề tiền lương lũy tiến rất cần cân nhắc. Bản chất của làm thêm giờ là bù đắp NSLĐ chưa cân bằng. Nếu chúng ta mong muốn vừa tăng làm thêm giờ, vừa tăng lũy tiến về tiền lương thì tất cả chi phí đầu vào đều tăng. Trong khi đó, giá gia công hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể, đương nhiên lợi nhuận của DN sẽ giảm. Đến một lúc nào đó DN không thể tồn tại, trừ những ngành hàng có dư địa lớn, thì lại ảnh hưởng đến tạo việc làm cho NLĐ. Vì thế, việc sửa luật để cho các quy định phù hợp hơn, đáp ứng được mối quan hệ hài hòa giữa quyền và lợi ích của hai bên.
Đề xuất kéo dài thời gian làm thêm giờ lên 400 giờ/năm là hợp lý, vì mức này vẫn thấp so với các nước. Tuy nhiên, phải phân biệt cho được giờ làm thêm này trong quan hệ thỏa thuận bình thường, chứ không phải thỏa thuận đặc biệt. Vì thế, về nguyên tắc, tiền lương làm thêm giờ trả theo cơ chế bình thường, theo quan hệ lao động. Có nghĩa, làm thêm vào Chủ nhật và ngày lễ thì hưởng theo chính sách ngày nghỉ và lễ, làm thêm buổi đêm thì tính theo tiền buổi đêm. Nếu muốn bảo vệ NLĐ thì tăng cường cơ chế thỏa thuận thật chắc giữa hai bên (chủ DN và NLĐ). Cơ chế làm thêm linh hoạt, tránh dồn việc vào cuối năm, cuối tháng, cường độ lao động nhiều. Nếu không, giờ làm việc và nghỉ ngơi bị đảo lộn, ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ.

Nguyên Viện trưởng 

Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH TS Nguyễn Hữu Dũng