Mở rộng lĩnh vực đầu tư dự án PPP, tăng cơ hội cho khối tư nhân

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Góp ý vào Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP có thể tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Chiều 6/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi 4 luật và cho rằng, điều này thể hiện sự mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội trong việc đột phá về cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư và quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Quochoi.vn

Giảm quy mô đối công trình đầu tư để thu hút nguồn lực

Góp ý vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho biết, việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP có thể tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, điều này cần dựa trên đánh giá thực tiễn của các địa phương thí điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để bảo đảm có cơ sở vững chắc về hiệu quả - nhất là khi có những thách thức chưa được tổng kết đầy đủ từ việc triển khai PPP trong các lĩnh vực này.

Đồng thời, đại biểu cho rằng việc giảm bớt các bước phê duyệt đầu tư có thể rút ngắn thời gian thực hiện nhưng lại có nguy cơ giảm kiểm soát hiệu quả và khả năng tránh rủi ro cho Nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét cụ thể cơ sở để bỏ các quy trình này và đánh giá tác động từ việc loại bỏ này để tránh các rủi ro phát sinh. Loại hợp đồng BT tại một số địa phương chưa được tổng kết đầy đủ, cần xác định rõ hơn các lợi ích, hạn chế của hợp đồng BT trước khi luật hóa.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: Quochoi.vn

Về việc tăng tỉ lệ vốn Nhà nước tối đa là 70% trong các trường hợp đặc biệt, đại biểu cho rằng quy định này là hợp lý. Tuy nhiên, cần bổ sung rõ hơn căn cứ, tiêu chí áp dụng nhằm tránh trường hợp tỉ lệ cao dễ bị lạm dụng.

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhận định, thời gian qua việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế, mặt khác, chưa giải quyết dứt điểm các vụ án BOT đang tồn tại ở các địa phương về vấn đề thu phí, phí gây khó khăn cho nhà đầu tư. Vì vậy, đề nghị Nhà nước có quy định cụ thể, rõ ràng để giải quyết dứt điểm các dự án này.

Các đại biểu cũng thống nhất với quy định tăng tỉ lệ vốn Nhà nước lên tối đa 70% và đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng từng dự án để có hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) nhấn mạnh, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một lĩnh vực được các doanh nghiệp rất quan tâm và có nhu cầu rất cao. Vì vậy, nên giảm quy mô đối với các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực giao thông.

Quang cảnh phiên họp ngày 6/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp ngày 6/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Bám sát thực tiễn, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa đổi các luật bám sát quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể là bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước; khuyến khích sáng tạo, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Theo Bộ trường, về Luật Đấu thầu theo hình thức PPP, chúng ta quay lại hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) bằng đất và BT bằng tiền - trước đây chúng ta đã làm, nhưng sau đó dừng và cho 3 tỉnh thực hiện.

"Với đề nghị của nhiều địa phương hiện nay, chúng tôi xin phép khôi phục lại nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để bảo đảm được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. - Ảnh: Quochoi.vn

Về BT chuyển tiếp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một vấn đề rất phức tạp. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, đã có 160 dự án khoảng 59.000 tỷ đồng, nhưng thực chất còn nhiều hơn thế rất nhiều ở các địa phương.

Vấn đề này Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, bao gồm Phó Thủ tướng Thường trực làm Trưởng Ban và trong đó có cả các ngành công an, tòa án, kiểm sát, tất cả các cơ quan nội chính cùng tham gia. Vấn đề này sẽ được triển khai giải quyết và tổng hợp rà soát trên cả nước, trong đó sẽ phân loại thành các nhóm với các vi phạm khác nhau và có hướng xử lý cho từng nhóm.

"Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp ngay cho thu ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế; giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là vấn đề rất lớn, Bộ đã báo cáo và xin phép Quốc hội cho một nghị quyết riêng để xử lý đối với chủ trương, đối với từng trường hợp và không đưa vào Dự Luật lần này.