Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nếu trước đây, phần lớn các trường đào tạo toán ở Việt Nam là ngành sư phạm toán, mục tiêu đào tạo để trở thành giáo viên thì nay, các trường đào tạo toán đã mở rộng quy mô và hướng đến nhiều ngành nghề hiện đại, phù hợp xu thế.

Thông tin trên được chia sẻ tại hội nghị sơ kết “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030” do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức ngày 22/10.

PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán chia sẻ tại hội nghị.
PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán chia sẻ tại hội nghị.

Theo Quyết định số 2200/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) do Bộ GD&ĐT chủ trì, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là đơn vị thường trực điều phối. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Chương trình đã và đang triển khai các hoạt động có ý nghĩa, hiệu quả và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toán học của nước nhà.

Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò của toán học được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, có sức hút và lan tỏa rộng rãi. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng toán học được đẩy mạnh, bước đầu tạo được mạng lưới nghiên cứu về thống kê ứng dụng, vận trù học, mô hình hóa toán học trong biến đổi khí hậu và môi trường, mật mã và an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain)…

Chương trình đã hỗ trợ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông môn toán 2018, trong đó chú trọng vào bồi dưỡng chuyên sâu về một số mạch kiến thức. Chương trình giúp mở rộng về quy mô, chất lượng đào tạo trong lĩnh vực các khoa học toán học. Trước đây, phần lớn các trường đào tạo toán học ở Việt Nam là ngành sư phạm toán học, với mục tiêu đào tạo để trở thành giáo viên toán.

Gần đây, do ảnh hưởng sâu rộng của toán học, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu trong các lĩnh vực khác, nhiều trường đại học đã mở mới các ngành đào tạo về toán ứng dụng, thống kê, khoa học dữ liệu như Đại học Fulbright, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần thơ, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…

Nhiều trường thành lập Khoa Toán/Thống kê/Khoa học dữ liệu như Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí  Minh, Học viện ngân hàng… Đây là dấu hiệu cho thấy sự thâm nhập của toán học trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, làm gia tăng sự quan tâm đến giảng dạy và nghiên cứu toán học.

Khẳng định vị thế của toán học Việt Nam được nâng cao, PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho hay: thời gian qua, Việt Nam đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà khoa học quốc tế. Các hoạt động hợp tác quốc tế rất nhộn nhịp, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy trong nước.

Trong năm 2025, sẽ có nhiều hoạt động quốc tế lớn như: gặp gỡ của Hội Toán học London; Hội thảo của Liên đoàn các Hiệp hội Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp (ICIAM Board Meeting); Hội nghị thống kê khu vực châu Á…

Đặc biệt, năm 2027, Việt Nam sẽ đăng cai và được lựa chọn tổ chức Hội nghị vật lý toán quốc tế (ICMP). Đây là một hội nghị quốc tế rất có uy tín, với quy mô gần 1.000 người, với sự tham dự của nhiều nhà toán học, vật lý hàng đầu trên thế giới.