Thị trường vốn tăng trưởng tích cực
Về tổng thể, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xã hội của Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.130.300 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (vốn khu vực Nhà nước đạt 544.900 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 16,1%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.227.100 tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 358.300 tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 16,3%). Tổng FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% và cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 đạt 1.327.300 tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Tính đến ngày 16/9/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.437.000 tỷ đồng, giảm 17,1% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 22.743 tỷ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm trước. Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 16/9/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 6.987 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với tháng trước; tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.326 tỷ đồng/phiên, giảm 18,2% so với bình quân năm 2021.
Theo tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, Việt Nam phấn đấu cuối năm 2025 đạt mục tiêu: Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu DN đạt tối thiểu 20% GDP, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, đảm bảo an toàn hệ thống. Phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Làm gì để phát triển thị trường vốn bền vững?
Mặc dù có nền tảng khá tốt và nhiều điểm sáng, song thị trường vốn vẫn còn không ít hạn chế, bất cập về cấu trúc, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Trong đó có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thao túng thị trường, làm giá và thao túng giá cổ phiếu; huy động trái phiếu sử dụng sai mục đích; vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường... Để phát triển thị trường vốn hiệu quả và bền vững cần triển khai động bộ, trong đó chú ý tính hai mặt của các chính sách, giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 153/NĐ-CP, Nghị định 155/NĐ-CP bảo đảm sự nhất quán, ổn định, chặt chẽ để minh bạch thông tin DN, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường. Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu DN và bảo vệ nhà đầu tư. Phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Cùng với đó, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ; tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ; đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp. Khuyến khích sự phát triển của nhà đầu tư là tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Ngoài ra, thúc đẩy các định chế tài chính trung gian (DN bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) tăng tiềm lực tài chính, mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.
Thứ hai, phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ số và nâng cao chất lượng nhân lực quản lý thị trường đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt. Nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành. Tăng cường thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, mua bán trái phiếu DN. Qua đó chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu DN của DN phát hành đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị của các tổ chức trung gian thị trường, như công ty chứng khoán, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, DN thẩm định giá và xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, xử lý nghiêm khắc các vi phạm, nhất là các hành vi thao túng, làm giá, đưa tin sai lệch, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tiền tệ, tín dụng. Đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, sở hữu chéo và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường quản lý thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng.
Kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định các rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định, an toàn, bền vững, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông chính thức, kịp thời, liên tục, minh bạch để nâng cao nhận thức của DN, người dân về pháp luật, kiến thức, kỹ năng phản ứng thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, làm nhiễu loạn và méo mó thị trường. Định hướng nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn. Chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường.
Thứ năm, triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, đạt 134,5% GDP vào cuối năm 2021, gấp 3,5 lần năm 2015. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.