Mở rộng truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng (NTD) Thủ đô, trong quá trình hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, cần chú trọng nhiều hơn tới vấn đề hỗ trợ người sản xuất tiếp cận quy trình an toàn, có truy xuất nguồn gốc.

Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội tổ chức ngày 30/12.

Tăng cường “bắt tay”

Từ năm 2015, việc cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho Thủ đô không chỉ là nhiệm vụ  đơn độc của TP Hà Nội mà ngay cả Bộ NN&PTNT cũng đã vào cuộc. Sự quan tâm ấy được thể hiện bằng việc ra đời Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT hơn 20 tỉnh, thành. Triển khai chương trình này, từ đầu năm tới nay, rất nhiều cuộc làm việc, tham quan thực tế giữa Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh đã được tổ chức để bắt tay vào từng nhiệm vụ cụ thể. Bản thân các tỉnh ven Hà Nội cũng đã tích cực quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất rau, vùng chăn nuôi an toàn để cung cấp cho thị trường Thủ đô. Nhờ đó, nguồn cung nông sản thực phẩm sạch về TP ngày một nhiều hơn.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan vùng sản xuất rau an toàn tại xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương. 	Ảnh: Quang Thiện
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan vùng sản xuất rau an toàn tại xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Ảnh: Quang Thiện
Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam với chuỗi siêu thị Fivimart, một đơn vị đồng hành với chương trình từ những ngày đầu vui mừng trước kết quả ấn tượng trong một năm đã đạt được. Thông qua sự kết nối của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, Công ty Nhất Nam đã có thêm 25 nhà cung cấp rau, quả tươi từ các tỉnh, thành trong cả nước với 257 mã hàng mới được thiết lập, đặc biệt là các mặt hàng trái cây theo mùa vụ và trái vụ. Đáng nói là doanh số bán hàng rau quả của Công ty tính đến thời điểm này đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. “Từ chương trình hợp tác trên đã phần nào tạo thói quen cho NTD Thủ đô đi chợ trong siêu thị” - bà Hậu cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm qua, giữa các tỉnh, TP đã hình thành cơ chế liên lạc về kiểm soát nông sản thực phẩm về Thủ đô. Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay có khoảng 5 triệu con gia súc, gia cầm từ các tỉnh được đưa về Hà Nội, phần lớn đã được kiểm dịch, kiểm soát thú y tại nơi xuất phát. Nhiều chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thực phẩm an toàn đưa về Hà Nội có sự tham gia của DN đã hình thành và đóng góp tích cực vào việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho NTD Thủ đô. Tiêu biểu là chuỗi sản xuất rau VietGAP của Hòa Bình, Sơn La đưa về hệ thống siêu thị Fivimart, BigGreen hay chuỗi thịt gà Dabaco Bắc Ninh…

Tháo gỡ các nút thắt

Dù thời gian triển khai còn ngắn, song không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Tuy nhiên, để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, vẫn còn một số nút thắt cần sớm được tháo gỡ. Đó là một số tỉnh chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo ATTP, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đối với sản phẩm thịt trước khi đưa về Hà Nội. Về lĩnh vực rau an toàn, số DN kinh doanh sản phẩm này hiện vẫn còn ít, nhiều cơ sở sản xuất của các tỉnh lại chưa có tem nhãn nhận diện sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các DN của Hà Nội đầu tư phát triển sản xuất ở các tỉnh, thành khác nên chưa khuyến khích được vai trò liên kết hợp tác sản xuất giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.

Một bất cập nữa được các DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm phản ánh tại hội nghị là thủ tục hành chính về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn rườm rà. Đơn cử, quy định mỗi khay thịt đã xẻ phải có tem nhãn, đóng dấu kiểm dịch thú y làm tăng thêm chi phí và ảnh hưởng đến quy trình phân phối sản phẩm ra thị trường của DN. Bởi với mỗi tem thú y dán lên khay thịt, DN phải chi phí 500 đồng, dù đến nay bất cập đã được điều chỉnh nhưng chưa thực sự triệt để. Đặc biệt, ở nhiều vùng sản xuất, người nông dân vẫn chưa làm quen với việc sơ chế, bao gói, dán tem nhãn và xin cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nông sản thực phẩm, trong khi đây lại là những quy định bắt buộc nếu sản phẩm muốn vào được hệ thống siêu thị.

Rõ ràng, có bắt tay vào làm thực tế, các địa phương cùng DN mới nhận thấy nhiều khó khăn, vướng mắc đang tồn tại để từ đó chung tay tháo gỡ, nâng cao hiệu quả của hoạt động phối hợp. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, liên kết cung ứng thực phẩm sạch cho Hà Nội là việc cần thiết phải làm ngay, nhất là trong đợt hành động cao điểm vì chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp kéo dài đến hết tháng 2/2016. Thông qua đó, kết nối, giúp cho NTD Thủ đô mua được sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Ông Tám đề nghị thời gian tới, các đơn vị chuyên môn của Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần hỗ trợ Hà Nội hoàn thiện bản tiêu chí đặc thù đối với nông, lâm, thủy sản tiêu thụ tại Thủ đô. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các cơ sở sản xuất, DN trong khâu lấy mẫu kiểm tra chất lượng và dán tem nhãn cho sản phẩm.