Mở rộng xã hội hóa đầu tư trường chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, song nhìn về "chặng đầu" của năm 2016...

Với nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, song nhìn về "chặng đầu" của năm 2016, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội khẳng định: Các bậc học, cấp học đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tích nổi bật.

Đơn cử, việc phổ cập giáo dục, Hà Nội liên tục duy trì số lượng và chất lượng ở các cấp học. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã về đích "đạt chuẩn" từ năm 2013 - trước kế hoạch của TP một năm và trước 2 năm so với cả nước; 30/30 quận, huyện, thị xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 87% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học hoặc tương đương.
Mở rộng xã hội hóa đầu tư trường chất lượng cao - Ảnh 1

Ảnh minh họa
Không những thế, ngành giáo dục còn huy động được 3.450 trẻ tàn tật còn sức khỏe ra các lớp hòa nhập (đạt tỷ lệ 76%). Bước đầu thực hiện quy định đánh giá học sinh tiểu học thay cho việc chấm điểm truyền thống, các trường ở Hà Nội cũng đã "bắt nhịp" khá nhanh, đa số giáo viên đều hiểu và nhận ra tính ưu việt của việc đổi mới này. Một số băn khoăn, vướng mắc liên quan đến việc ghi chép trên hệ thống hồ sơ sổ sách và nhận xét trên vở học sinh đã được Sở GD&ĐT hướng dẫn kịp thời. Như lãnh đạo Sở GD&ĐT chia sẻ: "Đây là bước chuyển lớn trong tư duy và nhận thức của mỗi giáo viên. Trong quá trình triển khai thực hiện, vấn đề khó khăn nhất của giáo viên là làm sao có được những nhận xét cụ thể, tỉ mỉ và mang tính giáo dục cao, đồng thời tìm ra các giải pháp giúp hình thành cho học sinh năng lực, phẩm chất và kiến thức kỹ năng môn học".

Chia sẻ ý tưởng và mục tiêu mà ngành giáo dục đang hướng tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, bên cạnh duy trì chất lượng giáo dục các cấp và bắt nhịp nhanh với việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực quan tâm đầu tư cho giáo dục. Cụ thể là khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở các cấp học; đa dạng hóa các hình thức, phương thức học tập, đào tạo. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác với các tỉnh, TP trên cơ sở thực hiện biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển GD&ĐT giai đoạn 2013 - 2015; tiếp tục chủ động và mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD&ĐT, mở rộng các chương trình liên kết, đào tạo với nước ngoài; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ và xây dựng một số cơ sở giáo dục tại Hà Nội. Mục tiêu năm 2015 mà ngành giáo dục đề ra là cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học hiện đại.