Sản xuất theo hướng thuận thiên
Dẫn đoàn tham quan ra sau nhà thăm ruộng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thuận Nông (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) phấn khởi nói: “Tôi mơ ước sẽ biến ruộng, vườn của HTX thành các khu Resort. Mọi người đến đây được hưởng không khí trong lành, ăn sản phẩm sạch được sản xuất theo quy trình hữu cơ”.
HTX Thuận Nông được tỉnh Kiên Giang chọn tham gia Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) tại Việt Nam do Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) tài trợ. Có 10 thành viên của HTX được chọn tham gia trên diện tích với diện tích 10 ha. Nhưng khi thấy việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ và đa dạng các nguồn sinh có nhiều cái lợi nên các thành viện còn lại của HTX cũng tự bỏ tiền ra làm theo mô hình này.
Nông dân sản xuất theo hướng thuận thiên. Những tháng nước lợ, nông dân nuôi tôm sú kết hợp với cua biển. Còn những tháng mưa nhiều, nước ngọt thì trồng lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh. Trên bờ vuông nông dân trồng màu gồm dưa hấu, bắp và đậu bắp vừa tạo môi trường sinh thái thu hút thiên địch bảo vệ mùa màng vừa có thêm thu nhập. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ giống rau nhót, một loại cây có khả năng chịu mặn tốt để nông dân nhân ra trồng ở các bờ vuông nuôi tôm..
Ông Fortenbacher Dominik là Trưởng nhóm nông nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) đã đến thăm Hợp tác xã Thuận Nông để tận mắt chứng kiến mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ tại Kiên Giang, nhằm hiểu rõ hơn các hoạt động trong khuôn khổ dự án: Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) và hoạt động sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Ông Dominik đánh giá cao cách làm sáng tạo của các hộ dân nơi đây và khen đồng ruộng rất đẹp.
Theo ông Dominik, Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh là mô hình có nhiều bên tham gia, từ ngành nông nghiệp, các bộ khuyến nông, các hợp tác xã đến doanh nghiệp cung ứng vất tư đầu vào, thu mua nông sản… “Tôi tin tưởng mô hình sẽ mang lại thành công cho hợp tác xã và sẽ có nhiều hộ dân trong vùng cùng tham gia thực hiện. Mô hình giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng được nguồn thu, cải thiện tốt sinh kế”, ông Dominik phát biểu.
Liên kết sản xuất hiệu quả
Trên diện tích đất sản xuất 38 ha, các xã viên Hợp tác xã Thuận Nông sản xuất giống lúa ST25 theo quy trình hữu cơ. Liên kết sản xuất nên toàn bộ chi phí đầu vào gồm lúa giống, phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc BVTV sinh học được Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá cung ứng đến cuối vụ, khi thu mua lúa sẽ trừ lại. Vì vậy, nông dân không phải lo chi phí đầu tư cũng như đầu ra của sản phẩm.
Tham gia dự án, nông dân còn được tập huấn về quy trình sản xuất lúa hữu cơ, kỹ thuật trồng rau màu, được hỗ trợ hạt giống… Ông Huỳnh Thanh Liêm, Đại diện thường trực Dự án GIC tại Kiên Giang cho biết, hiện nay cán bộ kỹ thuật của dự án đang tăng cường công tác tập huấn cho nông dân. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2022 sẽ mở 22/36 lớp tập huấn kỹ thuật, còn lại qua năm tới sẽ triển khai tiếp. Qua đó, sẽ giúp cho Tổ Chức nông dân/Hợp tác xã nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa theo lúa chuẩn quốc tế (SRP), cũng như nhân rộng mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ tại Kiên Giang.
GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ
Đồng hành cùng Việt Nam trong các nỗ lực phát triển bền vững ĐBSCL, trong những năm qua Chính phủ CHLB Đức đã liên tục triển khai nhiều dự án nông nghiệp, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực này. Với tổng vốn đầu tư bảy triệu Euro, Dự án GIC Việt Nam là gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo từ Chính phủ Đức, được phối hợp thực hiện bởi Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, GIZ và chính quyền sáu tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng từ năm 2020-2024.
Dự án GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế. Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT & PTNT cho biết: Với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy việc tìm ra các đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế phù hợp và khả thi để triển khai trong hai chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ cùng dự án GIC Việt Nam tạo ra những tác động tích cực giúp nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh và cải thiện vị thế nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng dự án để đảm bảo các can thiệp được triển khai thuận lợi, qua đó mang lại những lợi ích thiết thực cho các nhân tố trong hai chuỗi trị từ nông dân, đến hợp tác xã và các doanh nghiệp.
Trong năm năm triển khai, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình. Dự án sẽ chú trọng thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã (HTX) nhằm tạo mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trực tiếp dựa trên những nhu cầu và quan tâm chung của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị…