KTĐT - Kết quả cho thấy, phần lớn tình trạng lún, nứt xảy ra ở chỗ tiếp xúc giữa cầu và đường; đường hầm bê tông cứng nhô lên khỏi mặt đường.
“Phần lớn tình trạng lún, nứt xảy ra ở chỗ tiếp xúc giữa cầu và đường, đường hầm bê tông cứng nhô lên khỏi mặt đường” – lãnh đạo Vinaconex khẳng định nguyên nhân các vết nứt trên Đại lộ Thăng Long vừa qua.
Mức độ lún nứt cũng khiến dư luận phải lo ngại. Đoạn xảy ra hiện tượng “ổ gà”, đoạn thì mặt đường bị lún mấp mô với chiều dài khoảng 6 - 8m, vị trí lún sâu từ 3 – 5cm, đồng thời xuất hiện 1 vết nứt trên mặt đường dài khoảng 2m với chiều rộng tới 1,5 cm.
Thậm chí, còn xuất hiện vết nứt ngang mặt đường, cá biệt trong phạm vi khoảng 1,5m tiếp giáp bờ bò lan can bê tông cốt thép bên phải, chiều rộng vết nứt lên tới 2cm…
Về sự cố này, lãnh đạo Vinaconex giải thích, theo hồ sơ thiết kế, khe co giãn rộng 2cm tiếp giáp giữa đầu dầm bê tông cốt thép và tường mố bê tông cốt thép được chèn bằng bao đay tẩm nhựa đường cho đến cao độ tường bê tông cốt thép, sau đó thảm bê tông nhựa 2 lớp (7cm).
Nhưng qua kiểm tra cho thấy, vật liệu bao đay tẩm nhựa bị hư hỏng, dẫn tới 2 lớp bê tông nhựa 7 cm bị “hẫng” chân và xuất hiện vết nứt có chiều rộng lớn hơn so với quy định.
Đối với những sự cố khác, lãnh đạo Vinaconex cho rằng có nguyên nhân từ nền đường xử lý đất yếu, hay vết nứt xuất hiện tại điểm giáp ranh giữa nền đường đắp và tường bê tông cốt thép của cầu cũ…
Hiện nay Tư vấn giám sát đang tiếp tục đánh giá nguyên nhân và biện pháp sửa chữa, nếu xác định do lỗi của nhà thầu thì chi phí sửa chữa này sẽ do nhà thầu chịu. Theo kế hoạch, việc sửa chữa các hư hỏng sẽ được VINACONEX thực hiện xong trước ngày 15/4.
Đại lộ Thăng Long là công trình giao thông lớn, hiện đại, trải dài gần 30 km với nhiều hạng mục phức tạp. Hiện nay, dự án đang ở trong giai đoạn thông xe kỹ thuật và chưa được bàn giao.