Cần ý thức nghiêm túc về việc bảo vệ thương hiệu đã được gây dựng
Những ngày qua, vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn - “cha đẻ” của Phở Thìn 13 Lò Đúc với “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Trọng Thìn khẳng định, không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào. Ông Đoàn Hải Trung, người từng được ông Thìn cho phép sử dụng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương.
Ngoài những lùm xùm liên quan đến thương hiệu, một vấn đề khác được quan tâm là việc thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong khi thương hiệu “Phở Thìn” đã được đăng ký bảo hộ năm 2003 do ông Bùi Chí Đạt là chủ đơn. Năm 2013 nhãn hiệu hết hạn. Đến năm 2014, ông Bùi Chí Đạt đăng ký lại nhãn hiệu Phở Thìn và được cấp văn bằng bảo hộ đến năm 2024.
Theo tra cứu thông tin tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phở Thìn 13 Lò Đúc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh những vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”.
Trước đó, do “Phở Thìn” đã được đăng ký bảo hộ thành công, việc cấp một quyền sở hữu nhãn hiệu khác cho “Phở Thìn 13 Lò Đúc” sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì việc nhượng quyền thương mại là không thể xảy ra.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy nêu quan điểm, trong câu chuyện phở đang nóng lên mấy ngày gần đây, điểm cốt lõi của những tranh chấp là vấn đề quyền sở hữu nhãn hiệu. Chỉ khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, họ mới danh chính ngôn thuận thực hiện việc nhượng quyền, hoặc mở rộng số lượng cửa hàng và ngăn chặn được các hành vi trục lợi, lợi dụng thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, người kinh doanh có được sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng, sau đó xây dựng thành công thương hiệu của riêng mình là chuyện khó. Nhưng ngày nay bảo vệ sự nổi tiếng đó như thế nào trước những những hành vi đạo, nhái, trục lợi… cũng là vấn đề cần được ý thức và thực hiện một cách nghiêm túc.
Trên thế giới, không thiếu ví dụ về việc những cá nhân, DN đã từng để mất thương hiệu của mình vào tay người khác do chậm trễ trong việc đăng ký. Ngay cả Netfix - “cha đẻ” của Squid Game cũng không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Squid Game mà nhanh chân nhất là các cá nhân, pháp nhân đến từ Trung Quốc.
Một công ty sản xuất quần áo có cái tên Yiwu Mingluo thậm chí đăng ký thương hiệu Squid Game tại Mỹ từ ngày 29/9/2021, tức chỉ sau 12 ngày kể từ khi phim phát sóng lần đầu tiên và trước chính chủ hẳn 10 ngày.
Chủ động đăng ký càng sớm càng tốt
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy cho biết, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để bảo vệ quyền của mình, chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định.
Vấn đề sở hữu trí tuệ rất được các DN quan tâm, mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường. Minh chứng rất rõ như lượng đăng ký bảo hộ vẫn còn ít, chủ yếu là đối với nhãn hiệu, còn đối với các đối tượng có giá trị lớn như sáng chế, giải pháp hữu ích thì tỷ lệ ít… Các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này.
Nguyên nhân là do hầu hết các DN mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp. Nhận thức và nguồn cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt quan trọng đối với các DN khởi nghiệp – những nhân tố rất cần quan tâm đến vấn đề này. Giá trị của quyền sở hữu trí tuệ thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa được các DN nhận thức đúng mức.
Bất kể DN cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì, chắc chắn là DN đã và đang sử dụng và tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ. Do đó, DN cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện nay việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam tuân theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì giành được quyền trước. Vì vậy, đừng chờ đợi đến khi thương hiệu kinh doanh của bạn phát triển rồi mới tính chuyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bởi rất có thể lúc đó đã có những bên khác đăng ký trước mất rồi.
Đối với các DN đã gây dựng và phát triển thương hiệu lâu đời, đã được bảo hộ pháp lý đối với thương hiệu kinh doanh, vẫn cần tiếp tục bảo vệ thương hiệu của mình, giám sát và ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép, việc mà có thể khiến cho nhãn hiệu mất đi tính phân biệt, trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (ví dụ gọi Phở Thìn cho món phở bò Hà Nội truyền thống). Chủ sở hữu nhãn hiệu lúc đó sẽ bị mất đi hàng rào bảo hộ pháp lý cho thương hiệu của mình.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn khuyến nghị, để tránh rơi vào tình trạng như của Phở Thìn thì các DN phải đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt có thể, thậm chí trước khi triển khai hoạt động kinh doanh, hãy đăng ký ngay từ khi có ý tưởng. Đăng ký sớm sẽ có cơ hội thành công cao, nhưng rủi ro là đăng ký sớm liệu có tương thích với kế hoạch kinh doanh sau này không, DN cần cân nhắc.
Nói cách khác, khi đã có kế hoạch rõ ràng kinh doanh tại một thị trường cụ thể, lúc đó đăng ký có vẻ phù hợp nhất. Ngoài ra, DN cần tra cứu thị trường về nhãn hiệu đó, tránh việc nộp đơn xong nhưng không được đăng ký, dẫn đến cả chiến lược kinh doanh phải đổ sông, đổ bể.