Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mobile Money: Thị phần tiềm năng chờ bùng nổ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Mobile Money là dịch vụ đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam song tốc độ phát triển của dịch vụ này hiện vẫn chưa tương xứng với mong đợi.

Thuê bao Mobile Money chỉ chiếm 0,47%

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ Mobile Money hiện đang có 588.000 thuê bao, trong đó mạng Viettel có 402.000 khách hàng sử dụng dịch vụ từ khi nhà mạng này cung cấp Mobile Money vào tháng đầu tháng 12/2021, còn VNPT (VNPT VinaPhone) tuy cung cấp sớm hơn Viettel một tuần nhưng cũng mới chỉ có gần 200.000 thuê bao Mobile Money.

MobiFone chính thức ra mắt dịch vụ từ 21/2/2022 nhưng vẫn chưa có số liệu về người dùng cũng như điểm chấp nhận thanh toán. MobiFone cũng đã có được vài nghìn thuê bao Mobile Money nhưng mới chỉ ở dạng test và thử nghiệm nội bộ.

Mobile Money: Thị phần tiềm năng chờ bùng nổ
Mobile Money: Thị phần tiềm năng chờ bùng nổ

Số thuê bao Mobile Money hiện nay mới chỉ chiếm 0,47% trong tổng số 122,6 triệu thuê bao di động cho thấy con số sử dụng Mobile Money nêu trên vẫn còn rất thấp.

Việc triển khai dịch vụ này tới đa số người dùng cũng gặp không ít rào cản. Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT Media cho biết, bản chất Mobile Money cũng là một ngăn chứa tiền nhưng nó không liên kết với ngân hàng và không phải ngân hàng nào cũng có khả năng, mong muốn phục vụ. Điều này vô hình chung dẫn đến một số bất lợi cho Mobile Money khi đa số người dùng có thói quen thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, Mobile Money đang có những "thế khó" khi được triển khai ở thời điểm đã có hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Các phương thức thanh toán không tiền mặt bao gồm: Ví điện tử, mã QR,... cũng ngày một phổ biến hơn.

Hơn nữa, nhiều trường hợp khi đăng ký, nạp tiền vào Mobile Money phải đến tận điểm kinh doanh, đại lý của nhà mạng cũng là một điều khiến người dùng e ngại.

Ông Bùi Sơn Nam - Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho rằng Mobile Money chưa thể bùng nổ vì đang trong giai đoạn thử nghiệm, “dò đường”, thêm nữa các quy định chặt chẽ về xác thực thông tin với người dùng/thuê bao nên cũng có độ trễ và cần thời gian.

Cụ thể, để dùng Mobile Money, bắt buộc dữ liệu của người dùng dịch vụ phải trùng với cơ sở dữ liệu của thuê bao (chính chủ số điện thoại), những thuê bao được người khác đứng tên đều không được dùng.

Ngoài ra, theo ông Bùi Sơn Nam, rất nhiều thuê bao điện thoại di động chủ yếu đăng ký theo số chứng minh nhân dân cũ trước đây, trong khi khách hàng bây giờ đều đã chuyển sang căn cước công dân nên thuê bao chứng minh nhân dân cũ này cũng không được đăng ký mà phải ra điểm kinh doanh của nhà mạng cập nhật lại thì mới có thể được sử dụng dịch vụ Mobile Money. Quy định này ít nhiều khiến người dùng ngại đi cập nhật thông tin nên cũng chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, Mobile Money mới chủ yếu được dùng thanh toán một số dịch vụ hành chính công, trong khi vô vàn dịch vụ khác có thể dùng Mobile Money nhưng chưa phát huy được.

Kỳ vọng bùng nổ cuối năm

Mặc dù gặp không ít rào cản phát triển dịch vụ nhưng không thể phủ nhận dư địa phát triển Mobile Money tại thị trường trong nước. Lãnh đạo nhiều nhà mạng đều khẳng định Mobile Money là dịch vụ quan trọng và then chốt sẽ được các doanh nghiệp tập trung đầu tư, phát triển mạnh trong năm 2022.

Ông Nguyễn Sơn Hải đánh giá Mobile Money sẽ giúp không ai bị bỏ rơi trong công cuộc phát triển kinh tế số nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều gian nan khi phát triển.

Ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, để tiếp tục thúc đẩy thí điểm trong thời gian tới, VNPT đã tiến hành đào tạo, phát triển hệ thống đại lý trên tinh thần đầu tiên là cửa hàng của VNPT, sau đó là đối tác ủy quyền.

Trong khi đó, phía nhà mạng Viettel cũng cho biết, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ, thời gian đầu thí điểm, đơn vị này đã tung ra chuỗi chương trình khuyến mãi với tổng giá trị lên đến 30 tỷ đồng cho tất cả khách hàng tham gia trải nghiệm.

Khách hàng khi đăng ký tài khoản Viettel Money thực hiện giao dịch chuyển tiền hay tham gia sử dụng tiện ích sẽ được tặng tiền thưởng lên đến 10 triệu đồng/khách hàng cùng các gói quà tặng viễn thông như data tốc độ cao, miễn phí phút gọi/SMS...

Bên cạnh đó, Viettel đồng thời triển khai hơn 50 chương trình khuyến mãi và hợp tác tính năng trong nhiều lĩnh vực: Thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử...

Về phía MobiFone, ông Bùi Sơn Nam chia sẻ, thời gian qua MobiFone tập trung đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống, kiểm tra các nghiệp vụ xem vướng chỗ nào, nghĩ cách giải quyết các bài toán cho khách hàng, đặc biệt là việc cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu cho khách hàng, xem phương án nào phù hợp, đơn giản để không bắt khách hàng ra cửa hàng cập nhật thông tin. Khi mọi công đoạn đều hoàn thiện, trơn tru chúng tôi sẽ bung dịch vụ ra thị trường.

Ông Nguyễn Trường Giang - Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho biết, trong hơn một tháng cuối năm 2021 khi cung cấp dịch vụ, thuê bao Mobile Money của VNPT VinaPhone còn phát triển ít, nhưng từ tháng 1/2022 đến nay, tốc độ phát triển thuê bao Mobile Money của VinaPhone đang tăng theo cấp số nhân, gấp 10 lần so với thời điểm trước đó.

"Lãnh đạo các nhà mạng tin tưởng rằng khoảng quý 3 năm nay, khi quy mô về hạ tầng bao gồm các điểm chấp nhận thanh toán, điểm rút tiền nạp tiền mới đủ phổ biến, đủ rộng, khi thói quen người tiêu dùng đã hình thành, người dùng thấy dễ, thấy thuận lợi thì sẽ dùng nhiều hơn. Khi đó, thị trường Mobile Money sẽ bùng nổ" - ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Theo lộ trình, thời gian các đơn vị triển khai thí điểm Mobile Money là hai năm. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.