Mọc ra nhiều nhóm trông trẻ tự phát do trường mầm non chưa mở cửa

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 9 tháng qua, trường mầm non vẫn chưa được phép mở cửa do dịch bệnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều nhóm trẻ tự phát đã được mở ra với vai trò chủ động kết nối của chính phụ huynh.

Phụ huynh gom lớp

Nhiều tháng nay, sớm nào ngôi nhà hơn 30m2 trong căn ngõ nhỏ của gia đình cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên mầm non tại quận Hà Đông) cũng rộn ràng bởi các ca khúc trẻ em. 8 giờ sáng, các cánh cửa nhà mở rộng thông thoáng và sạch sẽ để lần lượt 3 học sinh từ 2-5 tuổi được bố mẹ đưa đến gửi. “Nhà mình có hai con đang học online lớp 6 và lớp 4. Từ ngày nghỉ dịch đến nay, mình nhận trông 3 trẻ tại nhà, đều là những học sinh cũ của trường, nhà cách đây chỉ vài cây số. Trường không được mở, ở nhà chỉ chơi rồi lo vài bữa cơm thấy cũng lãng phí thời gian và cảm thấy thừa thãi; phụ huynh thì thiết tha nhờ nên mình đồng ý nhận trông các cháu”- cô Hà cho biết.

9 tháng qua, học sinh mầm non không được đến trường (ảnh minh họa)
9 tháng qua, học sinh mầm non không được đến trường (ảnh minh họa)

Nhận trông trẻ tại nhà khi trường học chưa mở cửa, cô Hà cũng ý thức được việc mình đang làm là không được phép theo quy định. Điều lo lắng nhất là vấn đề dịch bệnh và trông trẻ an toàn nên dù có nhiều người muốn gửi con đến nhưng cô đều từ chối và chỉ giới hạn trông 3 trẻ. Bên cạnh đó, cô luôn thận trọng, hạn chế tiếp xúc với người ngoài nhằm đảm bảo tối ưu an toàn phòng chống dịch.

Có 2 con ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, chị Nguyễn Thị Hoa Mai, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, do cần người trông con nên chị đã bàn bạc và thống nhất với 3 phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo cùng tòa về việc nhờ cô đến nhà trông. Kể từ đó, nhà chị Mai trở thành một nhà trẻ tự phát của 5 đứa trẻ. 7 giờ 30 hàng sáng, cô giáo đến nhà chị nhận nhiệm vụ, 3 bố mẹ khác cũng mang con xuống gửi rồi đi làm. 17 giờ 30, sau khi các bố mẹ đón con, cô hoàn thành nhiệm vụ và trở về nhà mình.

“Tôi thấy như vậy cũng tiện. Nhà tôi ít nội thất lại có nhiều đồ chơi, không gian thoáng rộng hơn nhà cô. Các trẻ khác đều cùng tòa nên phải ra sức đàm phán cô mới đồng ý đến nhà. Công cô sẽ được trả cao hơn một chút do mất thời gian di chuyển. Mọi vấn đề là do hai bên thỏa thuận, cốt yếu nhất để con có người trông giữ, lại là cô giáo có nghiệp vụ sư phạm nên chúng tôi cũng yên tâm”- chị Hoa Mai bộc bạch.

Nhiều phụ huynh cho hay, mục đích của gửi con trước là để có người trông con cho bố mẹ đi làm; sau là con được hướng dẫn nhiều kỹ năng và điều quan trọng khác là được chơi với bạn. Theo chị Lê Thị Mẫn, trú tại quận Long Biên thì con ở nhà với mẹ mấy tháng cứ lủi thủi, lang thang chơi một mình. Chán đồ chơi con quay ra đòi xem ti vi, điện thoại cả ngày. Không được chuyện trò, chạy nhảy, con hay cáu gắt, hò hét. Chị thấy tội và lo cho con mà lại bận việc không làm gì khác được. Từ ngày gửi ở con nhà cô, thấy con vui vẻ, hoạt bát, biết nhiều hơn nên chị thấy may mắn vì đã tìm lớp, gom lớp cho con sớm.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Qua tìm hiểu được biết, các cô giáo mầm non nhận trông trẻ mùa dịch sẽ đảm trách một số nhiệm vụ như trông giữ, cho ăn, cho ngủ, tổ chức chơi trò chơi, hướng dẫn vận động, tô màu, kể chuyện… Với trẻ 4-5 tuổi, các cô giáo còn dạy tập viết, tập đánh vần đúng như chương trình các con học trên lớp. Trông giữ trẻ tại nhà rất áp lực nên điều quan trọng là luôn để mắt đến trẻ; không được phép lơ là dù chỉ một giây, một phút; loại bỏ hết những đồ nguy hiểm, sắc nhọn ra khỏi tầm mắt, tầm tay trẻ. Về dinh dưỡng, các cô cũng chú ý đổi món, đa dạng thức ăn để các con ăn ngon miệng. Vấn đề này phụ thuộc nhiều vào mức phí, yêu cầu và sự quan tâm của phụ huynh.

Nhu cầu gom lớp, trông giữ trẻ tại nhà không chỉ phổ biến ở nội đô mà xuất hiện cả ở khu vực ngoại thành. Các nhóm 3-5 trẻ, thậm chí hàng chục trẻ được phụ huynh gom lại rồi liên hệ cô giáo trông giúp hoặc thấy cô giáo mầm non trông trẻ tại nhà, các phụ huynh đến đặt vấn đề gửi con. Cứ như vậy, nhiều nhóm trẻ tự phát mọc ra bởi nhu cầu gửi trẻ để bố mẹ đi làm là rất lớn. Hoặc không ít gia đình có ông bà nhưng đều cao tuổi, không đáp ứng được các hoạt động cần thiết của trẻ nên cha mẹ vẫn quyết định mang con đến gửi cô giáo.

Được đến trường là mong ước của trẻ em (Ảnh minh họa)
Được đến trường là mong ước của trẻ em (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc trông trẻ tại nhà có nhiều hạn chế so với ở trường. Không gian nhà thường hẹp hơn; đồ dùng, đồ chơi không đầy đủ, phong phú như ở lớp; công tác đảm bảo vệ sinh theo chuẩn không được kiểm soát. Thông thường một cô trông 3-5 trẻ lại kiêm cả nấu ăn nên khó để mắt tuyệt đối đến các con. Chưa kể, có cô nhận trông hàng chục trẻ dẫn đến quá tải, ẩn chứa nhiều vấn đề không an toàn với trẻ.

Lý giải vì sao nhóm trẻ đông mà vẫn gửi con, chị Trần Thu Yến, quận Hà Đông cho biết: “Ban đầu cô chỉ trông 6 cháu; sau dần nhiều bố mẹ đến gửi nên giờ lớp lên đến 14 cháu mà vẫn chỉ 1 cô trông. Thấy đông quá nhưng con quen lớp, phí chỉ 70.000 đồng/ngày nên bố mẹ vẫn gửi con ở đó”.

Nhiều phụ huynh, giáo viên cho hay, việc gửi và trông giữ trẻ tại nhà là chỉ giải pháp tình thế. Bố mẹ đi làm, cuối tuần lại cho các con đi chơi vì không thể nhốt con mãi ở nhà nên việc tiếp xúc vẫn diễn ra. Mặt khác, giáo viên mầm non phải có thu nhập để duy trì cuộc sống. Do đó, cả phụ huynh, giáo viên cùng các nhà trường đều mong muốn trường mầm non sớm mở cửa trở lại bởi chờ dịch ổn định thì không biết đến bao giờ. Và khi nào trường chưa mở cửa thì một thực tế không thể khác, đó là các nhóm trẻ tự phát vẫn tiếp tục tồn tại và sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần