Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mới có 1.443 người được hưởng chính sách nhân văn của HĐND TP Hồ Chí Minh

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 02 của HĐND TP Hồ Chí Minh là chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ người cao tuổi, trẻ mồ côi. Nhưng đến nay mới có 1.443 trường hợp được hưởng, nhiều địa phương như: quận 1, 7, 12, Tân Bình, huyện bình Chánh không gửi danh sách dù các sở, ngành đã nhắc nhở.

Chiều 14/4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh do ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022 của HĐND TP về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP (Nghị quyết 02).

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tính đến nay theo báo cáo và phụ lục số liệu tổng hợp của 17/21 quận, huyện và TP Thủ Đức (đơn vị) gửi về sở, thể hiện đã hỗ trợ theo Nghị quyết 02 cho 1.443 trường hợp thuộc 5 nhóm đối tượng, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị rà soát lại số liệu trẻ em được thụ hưởng theo Nghị quyết 02 của HĐND TP.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị rà soát lại số liệu trẻ em được thụ hưởng theo Nghị quyết 02 của HĐND TP.

Theo đó, nhóm 1, có 596 người cao tuổi (gồm 2 người có con, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng duy nhất đã tử vong; 594 người sống đơn thân, neo đơn, không có chồng, vợ, con có nguồn thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức hộ cận nghèo - từ 36 triệu đồng đến dưới 46 triệu đồng/người/năm trở xuống).

Ở nhóm 2, có 178 người trong độ tuổi lao động từ đủ 16 đến dưới 60 tuổi thuộc hộ nghèo, bị suy giảm khả năng lao động hoặc bệnh hiểm nghèo.

Nhóm 3, là trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi; sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã tử vong (chưa được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) đang thực tế cư trú tại địa phương có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Cư trú là 1 trẻ (1 nữ).

Đối với nhóm 4, có 205 đối tượng là trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ nghèo (từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống) đang thực tế cư trú tại địa phương có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Cư trú.

Nhóm còn lại, có 106 trường hợp là trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ cận nghèo (trên 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm) đang thực tế cư trú tại địa phương có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Cư trú được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, ngồi "phòng lạnh" viết hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện sẽ không thể làm được, vì cái viết ra không thực tế.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, ngồi "phòng lạnh" viết hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện sẽ không thể làm được, vì cái viết ra không thực tế.

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, trước đó trong cuộc họp liên ngành, nhiều kiến nghị được đưa ra để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 02. Tại cuộc họp này đại diện Sở Tài chính nêu ý kiến về các đơn vị chưa có kinh phí chi hỗ trợ cho các đối tượng do chưa được giao dự toán. Theo đó, dự kiến kinh phí chi thực hiện Nghị quyết 02 là 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào tháng 9/2022, số liệu thống kê do địa phương cung cấp cho Sở Tài chính và Sở LĐTB&XH, thì kinh phí dự kiến chi lên đến 100 tỷ đồng. Nhưng các địa phương vẫn chưa ban hành được các quyết định hỗ trợ, nên Sở Tài chính không có cơ sở giao dự toán kinh phí cho địa phương.

Đại diện Sở Tài chính cũng cho biết đã bố trí nguồn kinh phí điều hành kinh tế xã hội (50 tỷ đồng/đơn vị), và ngân sách dự phòng cho địa phương để chi hỗ trợ các nhóm đối tượng khác ngoài bảo trợ xã hội. Về khó khăn của các đơn vị trong thực hiện xác nhận cư trú của đối tượng, theo đại diện Công an TP, qua rà soát hiện nay còn khoảng 100.000-200.000 người không có cơ sở xác định về mặt cư trú, nhân thân và Công an TP vẫn đang rà soát.

Tại buổi giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng Sở LĐTB&XH cần có hướng dẫn để các đơn vị, nhân viên phường, xã thực hiện. Cần rà soát lại số liệu, vì khi xây dựng thực hiện Nghị quyết 02 chỉ có hồ sơ 2.000 trẻ, nhưng khi chăm lo Tết Quý Mão có hơn 6.000 trẻ. “Trên cơ sở đã làm rồi, cần nghiên cứu những đối tượng chưa được hưởng theo Nghị quyết 02, để từ đó bổ sung vào Nghị quyết mới nhằm hỗ trợ người dân”, bà Nguyễn Thị Nga nói.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhật nhận định, qua một năm thực hiện Nghị quyết 02 cho thấy xuất hiện nhiều khó khăn liên quan thủ tục hành chính. Trong Nghị quyết 02 có ràng buộc ở điểm “chuẩn hộ nghèo, cận nghèo”, nếu xác định đối tượng không bằng chuẩn này thì trong hướng dẫn của Sở LĐTB&XH đã có hướng dẫn chưa? Trong văn bản 2396 của UBND TP về triển khai thực hiện Nghị quyết 02, giao Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp các sở ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Vậy Sở LĐTB&XH đã phối hợp và có phân công trách nhiệm các sở chưa? Sở LĐTB&XH có chủ động phối hợp Ủy ban MTTQ làm truyền thông chưa, vì người dân nói không biết Nghị quyết 02.

“Đối với tổng kinh phí chi cho 1.443 người, hơn 7 tỷ đồng, kinh phí này có gồm cấp thẻ BHYT, hỗ trợ hàng tháng, hỗ trợ học phí? Bên cạnh việc đánh giá công tác tham mưu, Sở LĐTB&XH cần đánh giá thêm công tác truyền thông. Đối với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng, họ tiếp cận thông tin từ báo chí hay từ cán bộ công chức phường xã. Cần đánh giá mức độ thụ hưởng của 5 nhóm đối tượng trước và sau thực hiện Nghị quyết 02”, đại biểu Nguyễn Minh Nhật đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ&TBXH thừa nhận có thực hiện chậm, vì ông Lâm không được giao phụ trách mảng này. “Về hướng dẫn các đơn vị thực hiện Nghị quyết 02, nếu không thống nhất với các đơn vị, mà ngồi trong phòng lạnh viết hướng dẫn cho quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện thì không thể làm được vì cái mình viết ra không thực tế. Nhiều đơn vị, sở ngành cho rằng bị vướng, vậy vướng cái gì? Khi họp liên ngành, tôi cần nghe Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đến dự để nghe học sinh nói thế nào, nhưng Sở GD&ĐT không tới. Còn văn bản của UBND TP đã phân công cụ thể từng sở ngành, cứ theo đó mà làm. Ở đây tôi thấy các địa phương còn giấu những việc mình làm chậm, vì vướng các gói hỗ trợ trước đây nên nhát tay trong xét duyệt. Đối với công tác truyền thông, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên báo chí như trước kia từng làm”, ông Nguyễn Văn Lâm tâm tư.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát, xét duyệt cho đối tượng của Nghị quyết 02.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát, xét duyệt cho đối tượng của Nghị quyết 02.

Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình đề nghị làm rõ số 1.443 người được thụ hưởng. Vì khi trắc nghiệm, con số này thấp hơn nhiều. Theo số liệu huyện Hóc Môn có 75 trường hợp, nhưng khi hỏi lại đơn vị cho biết chỉ có 38 người thụ hưởng. Hay tại quận Bình Tân ghi 77 người, nhưng chi có 20 trường hợp. Số liệu trong báo cáo thể hiện số trẻ mồ côi là 6.326 cháu, đề nghị Sở LĐTB&XH rà soát lại xem bao nhiêu cháu hưởng theo Nghị định 20 và Nghị quyết 02. Vì sao số còn lại không được hỗ trợ.

“Nghị quyết 02 là một chính sách nhân văn, thế nhưng đến nay có 5 địa phương không gửi số liệu đối tượng được thụ hưởng là quận 1, 7 ,12, Tân Bình và huyện Bình Chánh dù các sở, ngành đã nhiều lần nhắc nhở. Do đó, Sở LĐTB&XH cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, xét duyệt cho đối tượng của Nghị quyết 02, thời gian hoàn thành trước ngày 31/5. Lưu ý việc chi trả cho các nhóm đối tượng phải theo quy định, tránh trùng lắp nhóm đối tượng của Nghị định 20/2021/NĐ-CP”, ông Cao Thanh Bình kết luận.