Sau khi tăng gấp ba thuế bảo vệ môi trường với xăng năm 2015, đề xuất tăng tiếp khoản thuế này một lần nữa lại được Chính phủ nêu lên trong một tờ trình gửi Quốc hội gần đây.
Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016, Chính phủ (đơn vị đề xuất là Bộ Tài chính) cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thô thế giới, phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách. Một trong những biện pháp cụ thể được cơ quan này nêu ra là "nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu".
Như vậy, trong trường hợp thu ngân sách 2016 gặp khó khăn do giá dầu bất lợi và các nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh, phương án này sẽ được Chính phủ đề xuất sử dụng.
Theo quy định hiện nay, khung kịch trần với thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong khung mức thu quy định tại Luật. Trước đó, loại thuế này đã tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng từ 1/5/2015 nhằm bù đắp một phần giảm thu do lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế. Khi đó, dù Bộ Tài chính và Bộ Công Thương liên tục khẳng định việc này không làm tăng giá xăng nhưng thực tế, theo tính toán, giá xăng vẫn có thể rẻ hơn nếu thuế bảo vệ môi trường không "đội" lên gấp ba lần.
Cách đây một tháng, trước thông tin thuế bảo vệ môi trường có thể tăng lên kịch khung, đại diện Vụ Chính sách thuế cũng như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đều khẳng định với báo chí rằng cơ quan này không hề đưa ra đề xuất trên.
Thuế bảo vệ môi trường tăng gấp ba trong 8 tháng cuối năm đã góp phần giúp thu ngân sách 2015 vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin, nhờ việc tăng gấp ba thuế môi trường với xăng dầu mà ngân sách cả năm có thêm 13.200 tỷ đồng trong điều kiện nhiều nguồn thu khác khó khăn.
Mỗi lít xăng có thể phải chịu thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường nếu Chính phủ chính thức đề xuất. Ảnh: Q.Đ
|