Chậm hoàn thuế làm đọng vốn của doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ước tính lượng thuế VAT các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số 2.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế. Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số DN phải dừng xuất khẩu, nhiều DN hoạt động cầm chừng.
Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều DN sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong khi dòng tiền của các DN đang gặp khó, thì tiền hoàn thuế cho DN lại bị tắc và chậm. Nếu dòng tiền này về nhanh và kịp thời thì DN sẽ đỡ áp lực về vốn. Chúng tôi kiến nghị với các cơ quan thuế sớm xem xét hoàn thuế đúng hạn, kịp thời để giúp các DN giải quyết bài toán về dòng tiền để xoay xở, cầm cự.
Chủ tịch Hiệp hội DN (HUBA) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa
Còn theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, số thuế VAT của ngành sắn chưa được hoàn khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể là cao hơn nữa trong thời gian tới nếu không được tháo gỡ chính sách liên quan đến hoàn thuế. Việc hoàn thuế VAT nếu không được tháo gỡ khiến ngành sắn nguy cơ thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về đối thủ cạnh tranh.
Chia sẻ vướng mắc thực tế của DN, Giám đốc Công ty CP Công nghệ cơ khí Sao Việt (Savimec) Ngô Sách Vinh chia sẻ, dù gặp khó khăn sau đại dịch nhưng với quyết tâm phục hồi và phát triển DN, Savimec đã quyết định đầu tư máy móc trị giá 640.000 Euro (chưa VAT), khoảng 17 tỷ đồng về để phục vụ sản xuất.
Theo ông Ngô Sách Vinh, thực tế vấn đề vốn để tái đầu tư sản xuất kinh doanh luôn là bài toán khó đối với cộng đồng DN nhưng thủ tục hoàn thuế còn chậm. Đơn cử, Savimec nộp thuế nhập máy, mua đất, xây dựng trong 5 năm nay nhưng hiện vẫn còn hơn 10 tỷ đồng tiền thuế VAT chưa được hoàn lại. DN đang ở trong tình cảnh “thịt ăn không có lại có thịt treo". Cơ quan thuế chỉ cho khấu trừ thuế xuất dù đầu vào luôn đầy đủ, không biết bao giờ mới trừ hết.
Trong khi thuế đó Nhà nước không tính lãi, mà DN chậm nộp thuế lại tính lãi. Điều này vô hình trung làm mất năng lực cạnh tranh của DN Việt với DN nước ngoài. “Mong các cơ quan quản lý thấu hiểu nỗi niềm, khó khăn của DN, tạo điều kiện thủ tục thông thoáng sẽ góp phần để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội” – đại diện Savimec kiến nghị.
Cùng chung quan điểm, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoimse) Trịnh Thị Ngân cho hay, trong giai đoạn hiện nay, DN đang rất cần vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc hoàn thuế kịp thời, đúng tiến độ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn lưu động.
“Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện 470 chỉ đạo hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, DN. Rất mong các cơ quan thuế khẩn trương tháo gỡ về thủ tục hoàn thuế cho DN” – bà Trịnh Ngân nói.
Đứng ở góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS cho biết, pháp luật đã có những quy định khá rõ ràng về thủ tục, thời hạn hoàn thuế. Cụ thể, theo quy định hiện hành, cơ quan thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của DN phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
Tuy nhiên, việc chậm hoàn thuế VAT, hoàn thuế không đúng với thời gian quy định như ở trên hiện nay đang ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều DN, tạo ra thách thức rất lớn cho DN về dòng tiền. Thời gian quy định với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo công bố là 40 ngày nhưng thời gian thực tế có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của DN.
Khẩn trương rà soát, đối thoại gỡ vướng
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 4, cơ quan thuế ban hành 5.015 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền là 33.905 tỷ đồng, bằng 18,2% so với dự toán hoàn thuế VAT năm 2023 được Quốc hội thông qua và bằng 87% so với cùng kỳ thực hiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, mỗi năm Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng. Việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường.
Tuy nhiên, có một số vướng mắc DN nêu liên quan đến hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng. Trong hoàn thuế hoạt động xuất khẩu, xuất hiện tình trạng DN vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, nguyên nhân khiến tình trạng chậm hoàn thuế VAT thời gian qua là do không nhất quán cách làm hoàn thuế giữa các địa phương và không đúng với thời gian quy định. Mặt khác xuất phát từ Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro về hoàn thuế VAT.
Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các DN F1, F2, F3... không thuộc địa bàn quản lý thì Cục Thuế làm công văn gửi Cục Thuế các địa phương có liên quan để rà soát, đối chiếu, xác minh đến khâu cuối cùng... Việc xác minh này làm thời gian hoàn thuế kéo dài dẫn tới các tình trạng như hiện nay.
Vì vậy, ngành thuế cần phải làm đúng luật là hoàn thuế trong thời gian quy định với những DN thỏa mãn các điều kiện trên. Không thể vì một số DN gian lận thuế, không đủ điều kiện hoàn thuế mà giam tiền hoàn thuế gây thiệt hại lớn cho cả cộng đồng DN.
Đồng thời cần ban hành thông tư hướng dẫn thống nhất về quản lý hoàn thuế, tránh cách làm hoàn thuế không nhất quán giữa các địa phương và việc thực thi văn bản chỉ đạo nội bộ trong ngành không đảm bảo việc thực hiện quy định pháp luật đã quy định.
Trước kiến nghị của người dân, DN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, DN.
Bộ Tài chính cũng đã ra văn bản đốc thúc Tổng cục Thuế tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về thuế. Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế địa phương đối thoại ngay với hiệp hội, DN đang vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng từ ngày 29/5 - 2/6.
Theo quy định, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Như vậy, nếu chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi cho DN. Đồng thời cũng cần có quy định về chế tài, xử phạt với trường hợp lỗi cho cán bộ, công chức của cơ quan thuế dẫn đến chậm hoàn thuế cho DN.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS
Kiến nghị hoàn thuế của DN phải được giải quyết sớm, dứt điểm. Vấn đề này được đưa ra rất lâu, qua nhiều cuộc làm việc mà vẫn chưa có giải pháp. Không thể để DN thiếu tiền, phải đi vay trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều năm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu