Theo thống kê, trong giai đoạn 2010 - 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị thiệt mạng do các rủi ro liên quan đến nước; giai đoạn 2015 – 2018, con số trên đã có xu hướng giảm, còn trung bình khoảng 2.000 trẻ em. Thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều hành động để nâng cao nhận thức, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Dù vậy, để giảm thiểu những rủi ro liên quan đến đuối nước, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, góp phần xây dựng “Một xã hội an toàn hơn cho trẻ”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về PCTT cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội; đưa các nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục trong trường học, đặc biệt là triển khai sâu rộng các hoạt động dạy bơi, chủ động cho các em tham gia các khóa học bơi an toàn, kỹ năng phòng chống đuối nước…
Các địa phương cần cắm biển cảnh báo và tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh đối với trẻ em nhất là tại các khu vực nguy hiểm như ven sông, suối, ao, hồ, khu vực hạ du các hồ chứa… Đối với các vùng vào mùa mưa lũ kéo dài, cần nhân rộng các mô hình đưa rước trẻ, nơi trông giữ trẻ tập trung; các địa phương cần bố trí ngân sách và huy động sự tham gia của toàn xã hội để đầu tư, hỗ trợ cho công tác rèn luyện kĩ năng bơi, nâng cao môi trường sống an toàn cho trẻ nhỏ.
Nhân sự kiện này Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa bình trao tặng cho địa phương 450 triệu để lắp đặt 9 bể bơi di động trang bị cho một số trường học.