Mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu 15,3 năm bệnh tật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà Ritsu Nacken - Phó trưởng đại diện Qũy dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay,...

Kinhtedothi - Bà Ritsu Nacken - Phó trưởng đại diện Qũy dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, hiện nay tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi tại Việt Nam chưa cao, trung bình mỗi người phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời của mình.

Thông tin trên được bà Ritsu Nacken đưa ra trong cuộc hội thảo quốc gia rà soát tình hình triển khai Thông tư số 35/2011/TT-BYT và đáp ứng của y tế đối với chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Theo đánh giá của Qũy dân số Liên hợp quốc, Việt Nam đang ở trong thời điểm dân số vàng nhưng cùng lúc đó, đất nước cũng đã bước vào giai đoạn già hóa bắt đầu từ năm 2011.

 
 Nhân viên y tế khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN)
Nhân viên y tế khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam là một trong số những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Trong năm 2013 tỷ lệ người cao tuổi đã lên tới 10,5% tổng dân số.

Kết quả điều tra cho thấy tuổi thọ cả nam lẫn nữ tại Việt Nam đang tăng lên (73 đối với phụ nữ và 69 đối với nam trong năm 2010).

Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến những cơ hội cũng như nhiều thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ. Tuy nhiên, người cao tuổi nếu như được sự hỗ trợ đúng đắn có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước.

Người cao tuổi Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mãn tính và các bệnh mới như ung thư, trầm cảm về tâm thần...

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, kết quả thực hiện thông tư 35 đến nay đã có 46/63 tỉnh thành đã thành lập khoa lão khoa trong bệnh viện đa khoa tỉnh. Hơn 2 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, gần 1,8 triệu người được lập sổ theo dõi sức khỏe…

Ông Khuê cũng cho biết, trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện nay còn nhiều khó khăn như nhiều tỉnh chưa hướng dẫn và triển khai chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chưa bố trí được kinh phí thực hiện thông tư cho người cao tuổi tại trạm y tế xã phường.

Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, bác sỹ, điều dưỡng còn thiếu và yếu nên khó khăn trong khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng.

Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi cao gấp 7-8 lần chi phí điều trị cho một đứa trẻ. Hiện nay có khoảng 23% người cao tuổi đang gặp khó khăn với các hoạt động thường nhật, trong đó có 90% cần người hỗ trợ.

Vì vậy, tại hội thảo, nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến cho rằng Việt Nam cần thiết phải có các hành động cụ thể nhằm tăng cường hệ thống y tế, dịch vụ y tế, mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; xem xét hỗ trợ người cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo và 100% chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi bằng thẻ bảo hiểm y tế từ 80 tuổi trở lên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần